Gặp người tái bản “Om ngự” nấu cơm tiến Vua Thừa Thiên Huế: Khai xuân dự án tại KCN Phú Bài Thừa Thiên Huế: Chính thức khai hội đền Huyền Trân |
Hội vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), thuộc xã Phú Mậu, TP. Huế, Thừa Thiên Huế. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương; là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách mỗi độ xuân về. |
Làng Sình là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Ngoài nghề làm tranh mộc bản cổ truyền rất nổi tiếng, làng Sình hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có hội vật được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự. |
Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. |
Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng. |
Nét đặc trưng của hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. |
Không đề cao việc thắng thua mà chỉ đơn thuần là “thử sức” nên cứ đến ngày làng mở hội vật là người dân khắp nơi theo nhau về làng Sình. Đây chính là hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống, chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội. |
Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng Sình. Năm nay ngoài việc đến xem trực tiếp, du khách ở xa còn có dịp hòa mình vào lễ hội này bằng cách xem livestream trên các nền tảng mạng xã hội. |