Thứ ba 05/11/2024 22:21

Thủ tướng: Phát huy liên kết “6 nhà” để cộng hưởng sức mạnh, phát triển ngành công nghiệp sâm

Khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh (Kon Tum), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy liên kết “6 nhà” để cộng hưởng sức mạnh, phát triển ngành công nghiệp sâm.

Trưa ngày 19/8, trong chương trình làm việc tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây huyện Tu Mơ Rông, thăm một số hộ dân và doanh nghiệp liên kết trồng sâm, tặng 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho các hộ nghèo.

Việt Nam có nguồn cây dược liệu tự nhiên đa dạng và phong phú, với khoảng 5 nghìn loài cây cho công dụng làm thuốc. Sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là sâm Việt Nam) là loại dược liệu quý, có nhiều tác dụng như chống trầm cảm, bồi bổ sức khỏe, phục hồi sự suy giảm chức năng, kháng các độc tố…

Với tiềm năng và giá trị của sâm Ngọc Linh, để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 6/6/2023.

Trong đó, Kon Tum và Quảng Nam được xác định là 2 tỉnh sản xuất sâm Ngọc Linh với quy mô hàng hóa và nằm trong vùng phát triển dược liệu tập trung quốc gia, với 10 loài dược liệu ưu tiên tập trung phát triển. Tỉnh Kon Tum đã phát triển được hơn 1,8 nghìn ha sâm Ngọc Linh, với mô hình đa dạng, điển hình nhất là liên kết với người dân, trong đó có bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh các mô hình, kết quả đạt được trong sản xuất sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình đã có để làm tốt hơn trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết “6 nhà” gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cấp tỉnh, huyện, xã cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh; tiến hành rà soát, xây dựng và triển khai tốt công tác quy hoạch. Người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã, tiến hành sản xuất lớn. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ về vốn. Các doanh nghiệp đầu tư, lo vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phát triển thương hiệu… Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về giống, nguồn gen, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, giao đất, giao rừng cho bà con theo đúng quy định, để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát huy, khai thác tối đa tiềm năng của rừng và hưởng lợi từ rừng, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thủ tướng yêu cầu cấp tỉnh, huyện, xã cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, để sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu trên địa bàn nói chung phát triển bền vững, tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đề án đến năm 2030 Kon Tum sẽ có 25 nghìn ha các loài cây dược liệu, trong đó, có 10 nghìn ha sâm Ngọc Linh (khoảng 100 triệu cây). Đề án cũng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu, sử dụng bền vững, có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có.

Đặc biệt, đề án nhằm phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, Kon Tum đã có khoảng 1.749 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, trồng mới 508 ha, chủ yếu của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô; diện tích dược liệu khác xấp xỉ 5.120 ha, đạt 109,8% kế hoạch (trong đó trồng mới gần 2.500 ha, đạt 122,8% kế hoạch).

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chia sẻ: Những năm 1990, sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Bởi vậy, cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, ông cùng mọi người lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp. Công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông nói riêng đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh. Ngoài giúp người dân thoát nghèo, công ty luôn hướng mục tiêu vươn ra thế giới.

Tu Mơ Rông là địa phương có nhiều diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh Kon Tum. Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như sâm Ngọc Linh hay các loại dược liệu. Cũng nhờ vào dược liệu, giai đoạn 2020 - 2022, toàn huyện có 1.947 hộ thoát nghèo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây sâm Ngọc Linh.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: sâm Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng