Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo; các Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cải cách hành chính là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm 2024 và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Quan điểm là cải cách hành chính phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tổ chức thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận cải cách hành chính là quá trình liên tục và còn gặp nhiều rào cản, bất cập cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.
"Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, nhất là những nhiệm vụ đã đề ra trong Phiên họp lần thứ 7; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và thảo luận, thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc và nâng cao hiệu quả của công tác này, với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả".
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cũng tại cuộc họp, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyệt liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp; việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể…
6 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương tỉnh giảm 3.853 người
Tại cuộc họp, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, công tác CCHC trong 6 tháng đầu năm đạt 8 kết quả tích cực, nổi bật.
Thứ nhất, công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện CCHC được triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Việc tổ chức thực hiện được triển khai từ Trung ương đến địa phương, hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; các bộ, ngành đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ; các địa phương đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ.
Trong 6 tháng đã có 2.870 văn bản (các bộ: 305 văn bản; địa phương: 2.565 văn bản) được ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC. Lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đối thoại và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức được tăng cường.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, công tác CCHC trong 6 tháng đầu năm đạt 8 kết quả tích cực, nổi bật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ hai, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 nghị định, 8 nghị quyết (thông qua 11 đề nghị xây dựng luật, 17 dự án luật). Đã trình Quốc hội cho phép áp dụng các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp đối với 108 TTHC. Thủ tướng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 TTHC nội bộ. Giao thực hiện thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Dương.
Thứ tư, cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, đã giảm được 33 đơn vị sự nghiệp công lập cấp bộ, dự kiến trong năm 2024 giảm 72 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Các địa phương đã giảm 10 tổ chức cấp phòng thuộc UBND tỉnh và 8 tổ chức cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã.
Thực hiện tinh giản biên chế, 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương giảm 3.853 người; trong đó, địa phương là 3.746 người. Đồng thời tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ; thành lập Tổ công tác tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thứ năm, cải cách chế độ công vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thực hiện từ ngày 1/7/2024, bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định.
Kỷ cương, kỷ luật công vụ được siết chặt; xử lý nghiêm các sai phạm; 6 tháng đầu năm có 139 cán bộ, 432 công chức và 767 viên chức bị kỷ luật.
Thứ sáu, cải cách tài chính công được triển khai tích cực. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2024; các giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô dự kiến cả năm khoảng 200.000 tỷ đồng.
Thứ bảy, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất. Khung pháp lý phát triển Chính phủ số được tích cực hoàn thiện (đã ban hành 10 nghị định, 6 quyết định và 5 thông tư); cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh; triển khai Đề án 06 có kết quả tích cực.
Thứ tám, một số điển hình tốt như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính…
Phát huy khí thế, giữ lửa mang lại hiệu quả thực chất cho người dân và doanh nghiệp
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ Phiên họp; hoan nghênh các ý kiến phát biểu rất chính xác, tâm huyết, trách nhiệm và sát thực tế của các đại biểu về từng nội dung CCHC; giao Bộ Nội vụ, VPCP tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo.
Cơ bản thống nhất với các báo cáo và ý kiến về 8 kết quả nổi bật, tích cực trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận cuộc hop - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và những nguyên nhân, Thủ tướng khái quát một số bài học kinh nghiệm quan trọng.
Theo đó, phải triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, kịp thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, xác định "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả". Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính; xác định chuyển đổi số là một công cụ quan trọng trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời phát hiện, xử lý ngay những vấn đề phát sinh một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm cấm việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; thực hiện tốt cơ chế khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; chú trọng đưa tin người tốt, việc tốt, những cách làm hay, điển hình bứt phá; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực; góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận và không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.
Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ CCHC đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Đẩy mạnh rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục để giải quyết những "nút thắt" về pháp lý và nguồn lực tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tập trung phân bổ xong vốn đầu tư công năm 2024 trong tháng 7 và phấn đấu giải ngân cả năm đạt trên 95%; thực hiện điều chuyển vốn cho những nơi làm tốt, giải ngân hiệu quả.
Đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cải cách hành chính 6 tháng, phê bình, rút kinh nghiệm kịp thời.
UBND TP. Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9/2024 đến cuối năm 2025.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát nhằm thể chế hóa đầy đủ, bảo đảm thống nhất với Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, báo cáo Chính phủ trong quý III năm 2024.
Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9/2024.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan Nhà nước.
Triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Bộ Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp 7; đôn đốc hoàn thành trong tháng 7 việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết khó khăn trong triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả tài chính công, tài sản công; đẩy mạnh số hóa quản lý thu, sử dụng hóa đơn điện tử.
Văn phòng chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công an tổ chức thực hiện tốt việc chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu triển khai mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID để phục vụ công dân khi giải quyết công việc.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả việc kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử phục vụ dịch vụ công trực tuyến, nghiệp vụ tín dụng và phòng, chống hoạt động bất hợp pháp, lừa đảo, rửa tiền.
Với tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy khí thế đang có, tiếp tục "giữ lửa", triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh một cách thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ ràng, cân đong đo đếm được, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.