Thứ trưởng Bộ Công Thương giải trình về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 10/11/2022 19:10
Bối cảnh mới, tình hình mới, cần thiết phải sửa đổi Luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Đại biểu Nguyễn Hải Nam - đoàn Thừa Thiên - Huế đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
“Sau 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, vướng mặc cần phải được sửa đổi bổ sung nhất là trong bối cảnh mới, tình hình mới, thể chế hóa chủ trương của Đảng; đồng thời đáp ứng nhiều cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia” - đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu rõ.
Khẳng định sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam lý giải, trong bối cảnh thương mại điện tử, nền tảng số phát triển mạnh nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; hay những quy định như về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cần phải có các quy định cụ thể.
Đại biểu đề xuất cần đồng bộ các luật để xử lý các bất cập chồng chéo, rà soát, thống nhất giữa các luật nhất là khái niệm về hợp đồng mẫu phù hợp với Bộ luật Dân sự hay với Luật Giá về niêm yết giá của hàng hóa, dịch vụ.
“Cần nghiên cứu để có một mô hình quản lý nhà nước phù hợp để làm sao đáp ứng được về nhân lực và nguồn lực thực hiện để hiệu lực, hiệu quả; cần phải có quy định phân cấp mạnh hơn để có sự vào cuộc của các chính quyền địa phương nhất là cấp huyện”- đại biểu nêu.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng lưu ý đến giải quyết tranh chấp thì thủ tục rút gọn là giải pháp chủ chốt, đồng thời, tăng cường tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhiều người dân có thể hiểu được quyền của mình cũng như cách thức để thực hiện quyền của họ, bảo vệ chính đáng quyền của công dân.
Góp ý kỹ hơn vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, so với luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 Điều, bổ sung 29 Điều, đặc biệt, bổ sung một chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...
Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
"Cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn" - đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị.
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều ngày 10/11 |
"Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các quý vị đại biểu Quốc hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chúng tôi tin tưởng là giúp cho công tác này tiếp tục hoàn thiện và phát triển trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ, ngày 8/11, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 173/BC-BCT gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trong đó đã thể hiện rất rõ các quan điểm tiếp thu ý kiến phát biểu cũng như tranh luận của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Tại phiên họp này, một số đại biểu lại tiếp tục có ý kiến đóng góp giúp cho chúng tôi, cơ quan chủ trì soạn thảo có cơ hội được tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và trên cơ sở đó, hy vọng có thể hoàn thiện được pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội cũng như của người dân" - Thứ trưởng chia sẻ.
Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, chúng tôi rất phấn khởi khi được Quốc hội ghi nhận các công sức chuẩn bị cũng như xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là một sản phẩm rất công phu, dựa trên sự đóng góp của rất nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là cách thức khi xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều hướng tới người tiêu dùng và đông đảo quần chúng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rất rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật. Để tránh xung đột, chồng chéo với các quy định khác của luật, Bộ Công Thương xin tiếp thu ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở dự thảo luật chỉ điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh và luật chỉ quy định một số khái niệm, nguyên tắc để làm tiêu chuẩn, cơ sở tham chiếu trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, các hệ thống pháp luật chuyên ngành cũng điều chỉnh các điều kiện cũng như các quy trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng góp phần gián tiếp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều đại biểu đã đề cập đến các luật liên quan như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật... tất cả những quy định đó đều góp phần cho công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, nhiều đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu, luật hiện hành có quy định khái niệm bảo vệ người tiêu dùng có đối tượng là tổ chức, bên cạnh đối tượng là cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định đối tượng tổ chức trong khái niệm người tiêu dùng.
Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng là đối tượng ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đối tượng tổ chức (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh, hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận) về cơ bản đã có đầy đủ các chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí yếu thế của mình, ví dụ như có cơ cấu tổ chức, có nguồn lực, có tư vấn về pháp lý… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức các nhân kinh doanh.
Trên thực tế trong suốt quá trình 10 năm áp dụng, chúng tôi là cơ quan đầu mối tổng hợp về công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng thấy rằng số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước cũng rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng vụ việc.
Chính vì vậy, trong dự án luật lần này, cơ quan soạn thảo tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ cá nhân người tiêu dùng, tức gần 100 triệu người dân của chúng ta cộng thêm có yếu tố nước ngoài, là người nước ngoài mà có hoạt động giao dịch mua hàng hóa ở Việt Nam cũng được bảo vệ. Bên cạnh đó, có cả những yếu tố liên quan đến trẻ sơ sinh và bảo vệ đối tượng là người mẹ mang thai...
"Trên cơ sở hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức, chúng tôi xin phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để đánh giá tác động và sau đó sẽ có thông báo giải trình cụ thể hơn" - Thứ trưởng khẳng định.
Về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, Thứ trưởng thông tin thêm, các phương thức về các giao dịch liên quan đến bán hàng đa cấp, giao dịch từ xa cũng là một điểm mới ở trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mong đại biểu góp ý thêm.
Liên quan đến việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định cần thiết, đã được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến thống nhất.
“Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhằm đảm bảo hiệu lực và tính khả thi, Dự thảo Luật sẽ hoàn thiện các quy định theo hướng giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện chi tiết nội dung này đúng theo tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Về vai trò, trách nhiệm của của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế phối hợp, Thứ trưởng chỉ ra, vấn đề này các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và muốn nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là đề cao tính chuyên biệt của các tổ chức xã hội, như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trên cơ sở dự thảo luật hiện nay, cơ quan soạn thảo cố gắng làm sao quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn, nhằm tạo điều kiện tối đa khuyến khích, phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý, trong dự thảo luật cơ quan hành chính nhà nước sẽ không tham dự, không can thiệp vào các tranh chấp của người tiêu dùng với doanh nghiệp, vì đó là những tranh chấp dân sự. Với các hình thức giải quyết tranh chấp như vậy thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Ngoài ra, liên quan đến áp dụng các pháp luật chuyên ngành để điều tiết các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan của nhà nước với chức năng của mình từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh, quyết liệt để điều tiết vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là vai trò đầu mối, Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối trong theo sự phân công của Chính phủ
"Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ có báo cáo đánh giá tác động, bổ sung những ý kiến mà các đại biểu Quốc hội quan tâm" - Thứ trưởng nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử; phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |