Việt Nam có thể đạt 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 |
Phát triển xanh và phát triển bền vững ngày càng trở thành vấn đề thời sự trong phát triển của thế giới. Hội nghị là cơ hội để các bên liên quan có thể trao đổi, chia sẻ và thu thập các nguồn thông tin quan trọng từ phía Chính phủ Việt Nam về định hướng, chính sách về phát triển xanh và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP 26 cũng như lắng nghe chia sẻ, trao đổi về thực tiễn triển khai và những kiến nghị đề xuất từ các đối tác tiềm năng đê thu hút cac nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một số mục tiêu tại COP 26. Từ đó, Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành liên quan có thể xem xét, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ các giải pháp phù hợp, thích nghi với tình hình và xu hướng mới.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Chủ tịch Nhóm Cộng tác Ngân hàng Michele Wee đều nhấn mạnh những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi nền kinh tế trên thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị |
Vì vậy, các quốc gia cần khẩn trương xây dựng các chính sách, kịch bản phù hợp để đối phó, thích ứng với những tác động này. Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Chủ tịch Nhóm Cộng tác Ngân hàng Michele Wee phát biểu |
Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành (trong đó có Ngân hàng Nhà nước) cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng động quốc tế.
Tại Hội nghị các bên đã trình bày, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề, nội dung quan trọng, có tính thời sự về cần thiết thu hút nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về phát triển xanh và bền vững.
Bên cạnh đó các bên cũng cung cấp các thông tin về tình hình huy động nguồn lực cho Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như đã có những chia sẻ, trao đổi làm rõ các vấn đề liên quan.
Ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trình bày tham luận về chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam |
Thông qua các nội dung trình bày, tọa đàm, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình triển khai của Chính phủ, Bộ, ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng xanh, tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng như các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách và khuôn khổ pháp lý; nguồn lực hỗ trợ và khả năng huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như các đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp nhằm khai thông, thu hút và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực.
Theo bà Nguyễn Thị Bịch Ngọc- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Theo bà Ngọc, để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp: xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững; nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.