Doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn |
Nhận thức về kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào lợi ích kinh tế để giải quyết 3 vấn đề chính, đó là: Giảm khai thác tài nguyên đầu vào; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.
Thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tuần hoàn bền vững |
Hiện nay, ở khía cạnh nào đó trong từng lĩnh vực cụ thể có những doanh nghiệp đã tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn dựa trên lợi ích mang lại do đổi mới công nghệ, tái sử dụng, tái chế chất thải… Vì vậy khi có chủ trương chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một số doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện, điển hình như Công ty sữa Vinamilk, Công ty CP sữa TH, khai khoáng núi Pháo, Nestlé Việt Nam…
Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương về nhận thức kinh tế tuần hoàn nói chung và một số tiêu chí cần có về kinh tế tuần hoàn cho thấy, tỷ lệ nhận thức của doanh nghiệp còn thấp, chưa vượt quá 50%.
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho biết, khó khăn trước hết để đạt được mong muốn của doanh nghiệp khi tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là nhận thức. “Hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của nhiều doanh nghiệp, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là kinh tế tuần hoàn?. Thực tế cho thấy, những chủ doanh nghiệp có nhận thức tốt về kinh tế tuần hoàn sẽ chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, đổi mới nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, chủ doanh nghiệp thiếu hiểu biết và nhận thức không đầy đủ về kinh tế tuần hoàn là một cản trở cho doanh nghiệp”, ông Chinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó còn do cơ chế chính sách: Nội dung kinh tế tuần hoàn mới đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, trong khi các luật khác đã ban hành trước đây và nay đang quá trình bổ sung hoàn thiện, nên đã gây ra những cản trở, khó khăn nhất định cho doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ khâu đầu vào nguyên liệu; thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, vấn đề này liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong một chu trình khép kín... cũng gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi mô hình kinh tế.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Giới chuyên gia cũng phân tích, những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn khâu thiết kế ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có chuyên gia giỏi, trình độ chuyên môn sâu và thiết kế phù hợp. Trong khi hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chưa có đào tạo chuyên môn cho lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đáng nói về nguồn vốn đầu tư: Việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn đỏi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải… Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có nguồn vốn đầu tư phù hợp cho sự chuyển đôi mô hình của doanh nghiệp...
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cũng thừa nhận: Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bên cạnh những thuận lợi doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn nhất định, phải xác định được các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài. Để thực hiện tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp cần có những tính toán và mở rộng kết nối để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, nhất là chi phí - lợi ích và tiêu thụ sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn, cùng với đó là truyền thông nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.
Trước yêu cầu đặt ra về một nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn đang giành được nhiều sự quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra một số khuyến nghị gợi mở cho doanh nghiệp:
Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế cũng như khó khăn cần khắc phục. Bởi chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ để chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát huy thế mạnh nội sinh và tận dụng ngoại sinh.
Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích chi phí - lợi ích của mô hình trước và sau khi chuyển đổi để có quyết định xem việc chuyển đổi đó sinh lời cho doanh nghiệp bao nhiêu? từ đó có những quyết định phù hợp.
Cần tư vấn chuyên gia giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp.
Sự kết nối doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là với doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời cần xác định rõ thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn gồm thị trường trong nước và thị trường ngoài nước…
Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là với doanh nghiệp trước đây gây ra những bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ "nâu" sang "xanh" dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế - xã hội và môi trường của doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia lựa chọn. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ… trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã, đang thực hiện. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích bao gồm: Cơ chế hỗ trợ được quy định trong Luật Bảo vệ môi trương và các luật liên quan khác; tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về những vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng, chuyển đổi và giải quyết lao động việc làm. |