Thông tư số 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước: Gỡ nút thắt cho thị trường giao dịch hàng hóa

PV

PV

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 20, hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán.
Năm 2022, giao dịch hàng hóa liên thông ổn định Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chuyển tiền một chiều ra nước ngoài

Nghị định 51/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018, sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP, quy định thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chính thức kết nối liên thông với các Sở Giao dịch hàng hóa trên thế giới. Kể từ đó đến nay, thị trường đã ghi nhận bước phát triển nhanh về cả quy mô và chất lượng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN, hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân. Đây được coi như nút thắt quan trọng giúp thị trường giao dịch hàng hóa phát triển ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xoay quanh tác động của Thông tư đối với công tác tổ chức thị trường đang được triển khai tại MXV.

Thưa ông, xin ông cho biết các tác động của Thông tư số 20/2022/TT-NHNN đối với hoạt động của MXV nói riêng và thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung?

Thông tư được dự thảo trong bối cảnh các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài nằm rải rác ở nhiều văn bản, khiến các cá nhân, tổ chức gặp khó khăn khi áp dụng, tra cứu, dẫn chiếu. Đối với hoạt động giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới, chuyển tiền ra nước ngoài là một trong những nghiệp vụ cơ bản, có tính chất quyết định đến sự ổn định và hiệu quả của toàn thị trường. Tầm quan trọng của nghiệp vụ này sẽ ngày càng lớn hơn, khi thị trường tiếp tục tăng trưởng về quy mô giao dịch.

Với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam, cùng với kinh nghiệm thực tiễn sau hơn 4 năm liên thông với thị trường thế giới, MXV đã có những kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bổ sung hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam có liên thông.

Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước: Gỡ nút thắt cho thị trường giao dịch hàng hóa

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; tiếp thu ý kiến của Bộ Công Thương và MXV, để tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động thanh toán quốc tế của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và các ngân hàng thương mại. Từ đó, đã đưa ra những điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong Thông tư nêu trên.

Theo tôi, Thông tư đã tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hoạt động giao dịch liên thông. Qua đó sẽ tạo động lực để thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam tiếp tục phát triển với đầy đủ tiềm năng của thị trường giao dịch vốn đã tồn tại hàng trăm năm trên thế giới. Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, thương mại của đất nước.

Cụ thể, Thông tư đã quy định như thế nào về việc mua bán hàng hóa tại Sở Giao dịch ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam, thưa ông?

Thông tư bổ sung trường hợp mua bán hàng hóa của Sở Giao dịch ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam có liên thông vào hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác (Điều 14).

Bên cạnh đó, quy định cụ thể hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm g Khoản 6 Pháp lệnh Ngoại hối; Bổ sung trách nhiệm của ngân hàng (được phép), tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng quy trình, thủ tục, xuất trình, kiểm tra và lưu giữ giấy tờ và chứng từ đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật.

Đồng thời, Thông tư bãi bỏ Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản tại một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Điểm b Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021; Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011; Điểm i Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN.

Theo ông, đâu là điểm mới trong Thông tư sẽ có tác động lớn đến hoạt động giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới?

Đối với MXV, Thông tư đã bổ sung các khoản thanh toán và chuyển tiền của tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài thuộc hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác. Nội dung này được điều chỉnh bởi Điểm a Khoản 1 Điều 14 Thông tư.

Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước: Gỡ nút thắt cho thị trường giao dịch hàng hóa

Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới (ảnh minh họa)

Khi Thông tư có hiệu lực, quy định nêu trên sẽ giúp giải quyết các vướng mắc giữa MXV với các tổ chức tín dụng đóng vai trò là ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Từ đó giúp cho hoạt động giao dịch liên thông tại các Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài được liên tục và an toàn.

Thông tư đã bổ sung trách nhiệm của các nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa: “Người cư trú là tổ chức, cá nhân khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư này, quy định về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài và quy định có liên quan”.

Quy định này đã chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa nước ngoài, thống nhất với pháp luật thương mại và các Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP quy định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa.

Xin cảm ơn ông!

PV
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam