Nâng tầm đặc sản Tây Bắc
Tuổi thơ gắn liền với hình ảnh những dải thịt bò treo lơ lửng trên gác bếp, chị Lò Thị Thúy, chủ cơ sở sản xuất thịt bò hun khói Thúy Sương, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong, tỉnh Sơn La) đã quen với dáng mẹ, dáng bà tần tảo, lúi húi tẩm, ướp thịt rồi mang đi hong khô.
"Tôi rất ngưỡng mộ mẹ vì món gì bà nấu cũng rất ngon. Kết hợp đam mê sẵn có và học hỏi từ mẹ, tôi quyết định khởi nghiệp với nông nghiệp, cụ thể là sản vật thịt bò hun khói", chị Thuý chia sẻ và cho biết thịt bò hun khói Thúy Sương mang đậm dấu ấn Tây Bắc bởi bí quyết gia truyền và quy trình chế biến thủ công tỉ mỉ.
Thịt bò hung khói Thuý Sương là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Sơn La - Ảnh: Sàn Việt |
Để có món thịt bò hun khói trứ danh, chị Thúy cẩn thận, tỉ mỉ từ lựa chọn từng thớ thịt bò tươi ngon, được tuyển chọn kỹ lưỡng, tẩm ướp với gia vị đặc trưng cùng mắc khén - linh hồn của núi rừng, và hun khói bằng than hoa hồng rực, tạo nên hương vị thơm nồng, cay cay đặc trưng.
Khi có lượng khách hàng ổn định, chị đã đầu tư kinh phí mua lò sấy, mua máy hút chân không, kho lạnh, máy cán thịt, máy xay thịt… để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Với mong muốn sản phẩm thịt hun khói đặc sản của dân tộc mình được nhiều người biết đến, năm 2020, chị Thuý đã đăng ký sản phẩm OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn tư vấn để hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng...
Từ thời điểm được công nhận OCOP sản phẩm thịt hun khói của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến, đã có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh và bán ra một số tỉnh, thành phố, như: Lai Châu, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Năm 2020 (năm đầu tiên được công nhận OCOP), cơ sở chế biến, bán được 800 kg thịt bò hun khói, thu lãi gần 400 triệu đồng.
Cú hích từ thương mại điện tử
Sản phẩm thịt bò hun khói Thúy Sương được sản xuất quanh năm, nhất là vào dịp Tết, nhu cầu của khách hàng tăng cao. Sản phẩm cũng được tỉnh lựa chọn trưng bày tại các gian hàng, hội chợ trong nước, của tỉnh… giúp cho sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, doanh số bán hàng năm sau luôn tăng cao hơn năm trước.
Không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm theo hình thức truyền thống việc đưa các sản phẩm thịt bò hun khói Thúy Sương lên các sàn thương mại điện tử nói chung và Sàn Việt (sanviet.vn) nói riêng đã giúp mở rộng thị trường tiêu thu cho sản phẩm.
Một trong những lựa chọn hàng đầu của chị Thuý đó là Sàn Việt (sanviet.vn) với việc là một trong những cơ sở đầu tiên ở Sơn La đưa sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử này thông qua Sàn thương mại điện tử Sơn La (www.sonla.sanviet).
Được biết, Sàn thương mại điện tử Sơn La do Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng với hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm sản phẩm đã được lựa chọn và đưa lên sàn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử - Ảnh: Đức Anh |
Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh đã trở thành xu hướng tất yếu, thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc triển khai các cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận xu hướng này thông qua các khóa tập huấn kiến thức và kỹ năng buôn bán và trao đổi sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức 9 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử. Qua đó, giúp nhiều hợp tác xã, nông dân tiếp cận được công nghệ, chủ động tiếp cận thương mại điện tử bán hàng khá hiệu quả. Nhiều hộ nông dân, cơ sở sản xuất không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin của khách hàng với nông sản địa phương.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ nông dân, thành viên hợp tác xã các kỹ thuật, sử dụng thành thạo các ứng dụng, nền tảng thương mại điện tử để họ trở thành những nhà sáng tạo nội dung, thúc đẩy doanh số bán hàng và giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La khẳng định, thương mại điện tử thực sự là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Sơn La.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhận thức sâu sắc, đầy đủ bản chất, tầm quan trọng, tiếp cận linh hoạt, sáng tạo công nghệ số, thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.