Vụ Thị trường trong nước làm rõ 4 nội dung còn vướng trong thực hiện Nghị định số 80/2023/NĐ-CP Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì? |
Thị trường nội địa duy trì tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,5%; may mặc tăng 8,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 9,7%; du lịch lữ hành tăng 7,1%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.
Thị trường nội địa duy trì tăng trưởng trong nhiều năm qua |
“Nhìn chung, trong 8 tháng năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến và hiện vẫn giữ ở mức ổn định. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Trong năm 2024, cầu tiêu dùng vẫn là yếu tố có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự lan tỏa của hoạt động đầu tư công, xuất khẩu. Thị trường nội địa bao gồm thương mại, dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP, nếu tăng được 10% là con số rất lớn. Hơn nữa, quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa cần phải mạnh mẽ hơn. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần thực hiện theo các giải pháp truyền thống mà cần gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu các-bon. Bên cạnh đó, cần có hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cải cách thể chế nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Tháo gỡ được những thách thức nói trên sẽ giúp nền kinh tế có thể “vượt cơn gió ngược” để khôi phục đà tăng trưởng bền vững.
Đối với ngành bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - lưu ý, doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội đến từ việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới để vận hành cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Theo các chuyên gia, khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam cần thực chất hơn nữa bằng chính sách thuế, cụ thể là giảm thuế VAT với lộ trình đủ dài thay vì giảm 6 tháng một lần nhằm tạo động lực cho thị trường. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để tạo hiệu ứng mạnh mẽ và đồng bộ.
Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương chính là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về thương mại và thị trường trong nước (gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ thương mại có liên quan) theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
Thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp. Đơn cử, để thúc đẩy thị trường nội địa, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngày 14/9, Vụ Thị trường trong nước cũng tham mưu Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Tiếp theo đó, ngày 20/9, Vụ Thị trường trong nước cũng tiếp tục tham mưu Bộ Công Thương ban hành Công điện số 7323/CĐ-BCT về việc chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó cơn bão số 4 (Soulik) 2024. Trong cả 2 công điện này đều yêu cầu đảm bảo việc dự trữ, cung ứng hàng hoá đến các địa phương cả nước, không để thiếu hàng hoá thiết yếu.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó, trọng tâm là Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia tổ chức vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng GDP năm 2024 và thời gian tới. Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó, đầu tư cần thời gian để lan tỏa thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng có khả năng đạt hiệu quả cao nhất.