Xuất khẩu cà phê vào EU: Chú trọng khai thác thị trường ngách Xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu: Doanh nghiệp cân nhắc thị trường ngách Nông sản xuất khẩu Đắk Nông: Đi theo các thị trường ngách |
Thị trường ngách vừa sức nhiều doanh nghiệp
Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, tìm hướng kinh doanh mới khi tập trung vào một số thị trường ngách nhất định. Nguyên nhân là do thị trường ngách số lượng đơn vị cung ứng dịch vụ ít hơn, sự cạnh tranh chưa khốc liệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, tuy là miếng bánh hấp dẫn, nhưng thị trường ngách không phải là khu vực dễ tính.
Điển hình như tại Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh (tỉnh Đồng Nai). Với khoảng 20 cửa hàng chuyên kinh doanh điện máy, nội thất và phụ tùng xe máy trên cả nước, ngay từ những ngày đầu hoạt động, công ty đã lựa chọn chiến lược kinh doanh ở thị trường ngách. Ông Bùi Đức Vĩnh – Giám đốc công ty cho biết, việc lựa chọn thị trường ngách, lấy vùng ven đô, khu dân cư, đô thị mới giúp công ty tránh được sự cạnh tranh trực diện với các đại gia ngành bán lẻ tại các trung tâm đô thị. Đồng thời, việc kinh doanh ở khu vực ngoại ô cũng giúp cho các chi phí về nhân công, điện nước, mặt bằng được giảm thiểu tối đa.
Tương tự, với doanh nghiệp tư nhân Dũng Khương (TP. Hồ Chí Minh), mặc dù chỉ là xưởng sản xuất tư nhân nhưng thời gian qua, đơn hàng của doanh nghiệp này luôn đầy ắp. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đơn vị chủ yếu nhận đặt hàng từ các tiểu thương chợ An Đông và các cửa hàng bán giày lớn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù giá trị không cao như xuất khẩu song bù lại rất ổn định và hiện nay, mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tới hàng nghìn đôi giày các loại.
Trong lĩnh vực cơ khí, Công ty CP Diệp Nam Phương chuyên kinh doanh mặt hàng thép không gỉ lựa chọn phân khúc cao cấp. Với doanh thu hằng năm 250 tỷ đồng, Diệp Nam Phương được nhìn nhận là một trong số ít những doanh nghiệp có thực lực của mặt hàng thép không gỉ ở các tỉnh, thành phía Nam.
Doanh nghiệp sản xuất da giày nhỏ lẻ chọn phân khúc thị trường ngách để phát triển |
Ông Nguyễn Hữu Thật – Giám đốc công ty cho biết, thị trường ngách không chỉ phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp, với người khởi nghiệp mà nó còn là chọn lựa đúng đắn của doanh nghiệp nhỏ. Thị trường ngách giúp doanh nghiệp khu biệt đối tượng khách hàng, đưa ra kế hoạch xây dựng khách hàng trung thành hiệu quả hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc đầu tư chi phí vào đối tượng truyền thông quá rộng, tránh bỏ qua nhiều đối tượng khách hàng mục tiêu.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay cũng thành công nhờ thị trường ngách có thể kể đến như Tribeco ghi danh là đơn vị thiết lập thị trường sữa đậu nành, Tân Hiệp Phát thành công nhờ ngách thị trường thức uống trà xanh hay Tập đoàn Hải Âu lại lựa chọn vạch xuất phát của mình với những chiếc máy làm đá viên, máy làm kem tươi để rồi trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường này…
Miếng bánh ngon nhưng không dễ khai thác
Theo ông Nguyễn Hữu Thật – Giám đốc công ty CP Diệp Nam Phương, mặc dù sự cạnh tranh từ các đối thủ không lớn nhưng đối với phân khúc thị trường cao cấp, chất lượng là điều tiên quyết. Ở thị trường cao cấp, mức độ cạnh tranh về số lượng doanh nghiệp cung ứng và sản lượng cung ứng không nhiều, nhưng đòi hỏi chất lượng phải rất cao. Người giàu, có thu nhập tốt cũng là người rất am hiểu và không dễ dãi. Do vậy, cạnh tranh ở đây phải bằng chất lượng chứ không phải cạnh tranh về giá dẫn đến chất lượng giảm sút.
Theo các chuyên gia, thị trường ngách cũng chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn và đôi khi doanh nghiệp phải trả những cái giá rất đắt khi cứ cố tìm cho mình một sự khác biệt trong thị trường ngách. Nguyên nhân là do đặc tính của khách hàng mục tiêu không cố định, khách hàng hay thay đổi, dễ bị tác động bởi xu hướng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, thị trường ngách có thể coi là thị trường mới, có thành công nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại. Để có thể trụ được, khi tiến vào thị trường ngách, doanh nghiệp phải triển khai nhanh và đồng loạt các hoạt động như marketing, bán hàng, quảng bá thương hiệu nhằm khẳng định vị thế của mình, đồng thời phải có đủ nội lực. Nếu không, “ngách” của doanh nghiệp này có thể lại trở thành “miếng bánh” của doanh nghiệp khác dồi dào hơn về tài chính.