Thị trường máy nông nghiệp Việt Nam: Thua ngay trên “sân nhà” Sản phẩm máy nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh do đâu? |
Chiều 15/1, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.
Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2023, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư 13,06 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới ở khâu làm đất và thu hoạch. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Theo đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chiếm tỷ trọng tương đối cao, năng suất lao động còn rất thấp. Trình độ chế biến và chế biến sâu cũng có hạn chế.
“Thế giới xuất khẩu gói, Việt Nam xuất khẩu bao, nói điều này để thấy trình độ chế biến Việt Nam còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu xuất thô”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hạ tầng nông nghiệp còn yếu kém, trình độ khoa học công nghệ còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế còn hạn chế. Hiện Việt Nam mới chỉ có gần 55% số cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản đạt VietGAP tương đương, thị trường tiêu thụ chưa bền vững.
Về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn thấp, chưa đồng bộ dẫn đến tổn thất sau thu hoạch cao. Mức độ đồng bộ cơ giới hóa còn thấp, mới tập trung ở một số khâu, một số loại sản phẩm dẫn đến sức cạnh tranh nông nghiệp còn không cao.
“Riêng về cơ giới hóa nông nghiệp, hiện tại một số khâu trong sản xuất nông nghiệp có tỷ lệ khá cao. Cụ thể, trồng trọt đạt từ 70-100%; chăn nuôi đạt tới 55-90%;… Tuy nhiên, thất thoát trong thu hoạch thuỷ sản 15-42% vì tàu thuyền nhỏ, khoang lạc hậu, đây là vấn đề nhức nhối”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Nguyên nhân của tình trạng trên do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, độ phân tán cao, nên khó triển khai cơ giới hóa. Cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, máy thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước có 1.803 doanh nghiệp cơ khí nhưng mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu.
Bên cạnh đó, vẫn thiếu hành lang pháp lý và đầu tư cho công tác kiểm định và giám định chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp,… Do đó, cần khuyến khích, thúc đẩy tập trung đất đai, triển khai cơ giới hoá nông nghiệp, phát triển nhanh, bền vững, giảm tổn thất nông nghiệp.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp đang có mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ vào khoảng 30%. Bởi, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc lớn vào địa hình, điều kiện canh tác. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là cần phải cơ giới hóa đồng bộ.
Mang lại cơ hội tích cực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài
Ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu của cơ giới hoá đồng bộ đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp đạt 50%, trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thuỷ sản đạt 90%, đánh bắt bảo quản là 95% và diêm nghiệp đạt 90%.
Thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng phải đối mặt với một số thách thức. Hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức thiết bị trung bình ở các nước ASEAN. Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc trong nước chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.
Ông Fabio De Cillis - Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam - đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu có độ phủ sóng hạn chế trên thị trường Việt Nam. Italia thường giữ vị trí trong số 20 nhà cung cấp hàng đầu máy móc nông nghiệp cho Việt Nam.
Do nhu cầu cao về máy móc nông nghiệp mà việc năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế nên dư địa thị trường vẫn còn đáng kể. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng cơ hội này bằng cách cung cấp các công nghệ tiên tiến, giải pháp phù hợp và máy móc nông nghiệp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đóng góp vào sự phát triển của ngành tại Việt Nam.
Ông Fabio De Cillis gợi ý, phát triển của nông nghiệp thông minh là một trong những hướng đi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Italia đóng góp vào việc phát triển các phương pháp canh tác thông minh, với các giải pháp có giá cả phải chăng, thích ứng cao với nhu cầu địa phương của nông dân.
Các doanh nghiệp châu Âu, trong đó có doanh nghiệp Italia cần tiếp cận thị trường một cách năng động và siêng năng, đánh giá cẩn thận những sản phẩm phù hợp nhất để quảng bá với các khu vực mục tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường kỹ lưỡng để xác định chiến lược hiệu quả để thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, sự mở cửa trong thương mại quốc tế là động lực hấp dẫn cho công ty châu Âu tham gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, thị trường máy móc và thiết bị nông nghiệp đang tiềm năng sẽ mang lại cơ hội tích cực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nút thắt của Việt Nam. Ông Phạm Anh Tuấn hi vọng, các doanh nghiệp Italia sẽ có những đầu tư vào mảng này, qua đó giúp Việt Nam hòa nhập, tiếp cận công nghệ nhanh hơn, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp.