Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc VEAM.
Thưa ông, hiện tình hình tiêu thụ máy móc nông nghiệp trong nước và xuất khẩu của công ty ngày càng sụt giảm, ông có thể chia sẻ rõ thông tin này và theo ông đâu là nguyên nhân của sự sụt giảm?
Ông Ngô Văn Tuyển phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của VEAM |
Năm 2019, trong số sản phẩm của VEAM thì động cơ vẫn tăng trưởng khi tiêu thụ gần 40 ngàn chiếc. Riêng máy kéo, máy gặt, máy xay xát, bơm nước, hộp số thì sản lượng giảm từ 20% đến gần 50%.
Máy móc nông nghiệp do VEAM sản xuất chủ yếu là các máy kéo, máy cày, máy phay đất 2 bánh, máy xay xát, máy cắt lúa rải hàng, hộp số dùng cho nuôi trồng thủy sản và các loại động cơ. Nguyên nhân sụt giảm tiêu thụ có nhiều, nhưng trước hết theo tôi có yếu tố khó khăn chung do nhu cầu sụt giảm của thị trường, có sản phẩm thị trường biến động hàng năm theo chu kì, ngoài ra là do yếu tố cạnh tranh trong khi sức mua của nông dân còn hạn chế và thường lựa chọn sản phẩm giá rẻ.
Sản phẩm của VEAM có ưu thế về chất lượng và giao hàng, nhưng giá cả lại khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu phân khúc giá rẻ và hàng nhập khẩu đã qua sử dụng. Giá bán ra của VEAM cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc trên thị trường, mà nguyên nhân một phần là do chính sách thuế hiện nay của Nhà nước.
Nói như vậy thì chính sách thuế đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm, thưa ông?
Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm trên thị trường máy nông nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là hàng Trung Quốc với giá thành rẻ hơn so với sản phẩm trong nước sản xuất.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước như VEAM thì chính sách thuế VAT là một bất lợi đối với máy nông nghiệp khi từ năm 2015 các sản phẩm này thuộc danh mục không chịu thuế VAT. Khi sản phẩm không chịu thuế VAT thì toàn bộ chi phí đầu vào với thuế VAT 10% sẽ phải hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như vậy, hàng sản xuất trong nước sẽ bị bất lợi về giá do chính sách thuế VAT khoảng 7% giá bán. Chính sách này chỉ hỗ trợ hàng nhập khẩu mà không khuyến khích sản xuất trong nước, cạnh tranh rất không công bằng.
Việc tìm cách giảm chi phí sản xuất là việc làm thường xuyên như tiết kiệm vật tư, tăng năng suất, tính toán cẩn thận khi đầu tư thiết bị. Tuy nhiên, giảm giá bằng cách giảm chất lượng để tương ứng với sản phẩm nhập giá rẻ là không phù hợp, không khả thi, bởi vì nhiều loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là của các dây chuyền sản xuất có sẵn cách đây vài chục năm. Vì vậy, sản phẩm của VEAM vẫn duy trì ở một phân khúc cao hơn, giá cao hơn và tiêu thụ với số lượng ít hơn.
Ông Ngô Văn Tuyển (ở giữa) đi khảo sát tình hình sản xuất tại doanh nghiệp thành viên |
Theo ông, để các sản phẩm máy nông nghiệp nói riêng, các sản phẩm cơ khí Việt Nam nói chung phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất đầu tư, đổi mới sáng tạo, chúng ta cần có những bước đi như thế nào?
Cơ khí chế tạo là công nghiệp nền tảng. Công nghiệp hóa không thể không có cơ khí. Phát triển một ngành chế tạo nào đó phụ thuộc vào chính thị trường của sản phẩm đó. Ví dụ, khi có thị trường xe máy hơn 3 triệu xe máy/năm, thì tự nhiên sẽ hình thành chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp chế tạo linh kiện sẽ có điều kiện đầu tư phát triển. Quy mô sản xuất sẽ quyết định hiệu quả sản xuất và khả năng đầu tư sản xuất (economies of scale). Ngoài thị trường trong nước, còn có thị trường xuất khẩu.
Cán bộ kỹ thuật VEAM hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân tỉnh Phú Yên |
Như vậy, để thúc đẩy sản xuất cơ khí, yếu tố chính là thị trường. Một sản phẩm nào muốn phát triển phải khuyến khích tiêu dùng. Gánh nặng thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và phí khác, thậm chí thuế, phí chồng lên thuế làm giá bán sản phẩm cao thì không thúc đẩy được thị trường. Đối với sản phẩm xuất khẩu thì các hiệp định thương mại tự do là điều kiện để sản phẩm của Việt Nam có thể đi ra thế giới và cạnh tranh ở quy mô thị trường rộng lớn hơn…
Xin cảm ơn ông!