Khai thác thị trường Halal: Vẫn đang ở giai đoạn “phá đá mở đường” Tiếp cận thị trường Halal: Cơ hội và thách thức |
Hội nghị do Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Sở Công Thương Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Warees Hala Pte Ltd tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn toàn cảnh thị trường Halal Singapore và các điều kiện tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ Halal tại Singapore.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore - ông Mai Phước Dũng cho hay, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore phát triển mạnh mẽ. Singapore hiện là nhà nước đầu tư ngoài lớn tại Việt Nam với khoảng 3.000 dự án, từ công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, sản xuất điện, bán buôn bán lẻ tới khoa học công nghệ.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore - ông Mai Phước Dũng |
Về thương mại, năm 2022 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 11,6% so với năm 2021, trong đó sản phẩm Hala đóng góp một phần không nhỏ. Sản phẩm Halal Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Singapore mà còn được tái xuất sang các thị trường khác.
“Nhận thức tầm quan trọng của thị trường Halal, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" với những mục tiêu cụ thể”, Đại sứ Mai Phước Dũng thông tin.
Ngài Đại sứ cũng đồng thời khẳng định, Singapore là điểm lý tưởng cho sản xuất, thương mại và tái xuất sản phẩm Halal sang các thị trường hồi giáo lớn do có hệ thống logistics hiện đại, phát triển.
“Hội nghị này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về thị trường Halal Singapore, từ đó hình thành các chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả. Đại sứ quán luôn sẵn sàng chia sẻ, kết nối thông tin, tạo điều kiện giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”, ngài Đại sứ một lần nữa nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Kiều Oanh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Hà Nội sau Nhật Bản và tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch, khoa học công nghệ, giáo dục… Singapore cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của các doanh nghiệp Hà Nội.
Bà Nguyễn Kiều Oanh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay, đầu năm 2023, Sở Công Thương thành phố đã phối hợp với Thương vụ tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Singapore tại Hà Nội. Tiếp nối thành công, Hội nghị ngày hôm nay với sự tham gia của 17 doanh nghiệp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kỳ vọng sẽ đạt kết quả tốt đẹp.
Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển sản phẩm Halal như dược phẩm, thực phẩm và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất quan tâm tới chứng nhận Halal trong khi Singapore có số lượng người Hồi giáo cao, nhiều du khách là người Hồi giáo.
Mặt khác, Singapore có nhiều kinh nghiệm phát triển thương mại, sản phẩm Halal và có chứng nhận Halal được nhiều quốc gia Hồi giáo chấp nhận. Hy vọng, qua sự kiện này, doanh nghiệp 2 bên sẽ đẩy mạnh liên kết trở thành đối tác quan trọng của nhau trong tương lai.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, với tỷ trọng nông nghiệp rất thấp trong GDP, Singapore hiện mới chỉ tự chủ được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm, 90% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, thực phẩm chế biến lại là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Singapore, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 9 tỷ USD/năm, trong đó, tới 70% giá trị xuất khẩu là các mặt hàng có chứng nhận Halal. Các chuyên gia ước tính, thị trường thực phẩm Halal Singapore sẽ giữ mức tăng trưởng khoảng 7-10% trong những năm tới đây.
Với tỷ lệ cao dân số là người Hồi giáo và rất nhiều khách du lịch hàng năm là người Hồi giáo, cộng đồng người Hồi giáo tại Singapore thuộc nhóm dân cư có thu nhập cao và khả năng mua sắm, tiêu dùng lớn. Singapore cũng có hệ thống phân phối các sản phẩm Halal rộng khắp với rất nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm Halal.
Singapore còn có hệ thống chứng nhận Halal rất tốt, được thừa nhận bởi các quốc gia hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia và các đối tác thương mại lớn, UAE, Úc, Châu Âu và Mỹ.
Có thể nói, Singapore là cửa ngõ lý tưởng cho sản xuất, thương mại, tái xuất các sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo lớn thông qua hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển cho thương mại quốc tế.
Khẳng định lợi thế của chứng nhận Halal tại thị trường Singapore, bà Dewi Hartaty Suratty – Giám đốc điều hành Warees Hala Pte Ltd cho hay: Khi có chứng chỉ Halal, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận 2 tệp khách hàng, gồm: Khách hàng là người Hồi giáo và khách hàng không phải người Hồi giáo.
Bà cũng đồng thời lưu ý, việc đạt chứng chỉ Halal đã khó nhưng quản lý và sử dụng đúng còn khó hơn, do đó doanh nghiệp cần có nhân lực cho công tác quản lý, vận hành chứng chỉ này. Ngoài ra, chứng chỉ Halal không được phép chuyển giao và không sử dụng sai logo của Halal.