Thị trường dầu tuần qua “nóng” trong từng phiên giao dịch Thị trường dầu tuần qua biến động trước loạt dữ liệu mới Thị trường dầu trải qua tuần giảm đầu tiên trong năm |
Những sự kiện nổi bật trên thị trường dầu tuần qua
Sản lượng khai thác dầu của OPEC tăng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã khai thác nhiều dầu thô hơn trong tháng 12 vừa qua so với tháng 11.
Trong tháng 12/2023, OPEC đã khai thác 26,7 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng từ mức 26,628 triệu thùng dầu thô/ngày của tháng trước. Việc tăng sản lượng chủ yếu là do sản lượng tăng từ Nigeria, quốc gia chứng kiến sản lượng tăng từ 1,319 triệu thùng/ngày lên 1,418 triệu thùng/ngày. Iraq cũng chứng kiến sản lượng tăng từ 4,269 triệu thùng/ngày lên 4,292 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các thành viên OPEC khác ghi nhận sản lượng giảm, bao gồm Saudi Arabia (giảm12.000 thùng/ngày), Kuwait (giảm 23.000 thùng/ngày), Iran (giảm 11.000 thùng/ngày) và các nước khác.
Thị trường dầu được cho sẽ ở “vị thế thoải mái và cân bằng” trong năm nay, bất chấp căng thẳng ở Trung Đông trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và triển vọng nhu cầu giảm |
Sản lượng dầu thô của Mỹ có thể tiếp tục giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của nước này có thể giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 2 tới.
Trong báo cáo năng suất khoan mới nhất, EIA nhận định sản lượng trên toàn khu vực đá phiến trong tháng 2 được dự đoán sẽ thấp hơn 2.000 thùng/ngày so với tháng 1, ở mức 9,68 triệu thùng/ngày. Khu vực duy nhất mà sản lượng dự kiến tiếp tục tăng trong tháng tới là Permian, nơi sản lượng được dự kiến tăng lên 5,974 triệu thùng/ngày từ mức dự báo 5,97 triệu thùng/ngày trong tháng này.
Căng thẳng ở Trung Đông ảnh hưởng đến nguồn cung. IEA cho biết trong báo cáo Thị trường Dầu tháng 1, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nơi chiếm 1/3 giao dịch dầu mỏ bằng đường biển của thế giới, gây rủi ro cho nguồn cung trên các tuyến đường chính.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông đã khiến thị trường đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng vào đầu năm 2024”, IEA nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia của IEA: “Các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở Biển Đỏ đã làm dấy lên lo ngại rằng xung đột leo thang có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu qua các điểm huyết mạch thương mại quan trọng”.
Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, nâng triển vọng tăng trưởng nhu cầu cho năm 2024 lên tháng thứ 3 liên tiếp.
Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh trong báo cáo hàng tháng rằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể trong năm 2024 do những khó khăn kinh tế vĩ mô, tiêu chuẩn hiệu quả nghiêm ngặt hơn và sự phát triển của xe điện. IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu lên thêm 180.000 thùng/ngày so với ước tính từ báo cáo trước đó.
Dầu thô kết thúc tuần tăng giá
Đầu tuần (15-16/1) giá dầu thế giới giảm sau khi Saudi Arabia quyết định giảm giá bán dầu thô Arab Light sang thị trường châu Á trong tháng 2. Đây được coi là mức giá thấp nhất của dầu Arab Light trong vòng 27 tháng. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 72,44 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,05 USD/thùng.
Đến giữa tuần (17-18/1) giá dầu tiếp đà giảm khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong một tháng. Tuy nhiên, những lo lắng về tác động đối với nguồn cung năng lượng từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã giúp hạn chế đà giảm giá của dầu. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 71,97 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 77,79 USD/thùng.
OPEC dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tương đối mạnh mẽ trong năm 2024 |
Vào cuối tuần (19-21/1) giá dầu thô giữ mức tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm nhẹ. Ngày 19/1, giá dầu thế giới tăng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cùng với nhóm sản xuất OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh. Mùa đông lạnh giá làm gián đoạn sản lượng dầu thô của Mỹ trong khi chính phủ báo cáo sản lượng dầu thô hàng tuần giảm mạnh. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 73,9 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,92 USD/thùng.
Sang đến ngày 20-21/1, giá dầu giảm nhẹ. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2024 ở mức 73,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,69 USD/thùng. Giá dầu giảm nhẹ nhưng ghi nhận mức tăng hàng tuần do căng thẳng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng dầu bù đắp những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Như vậy, trong 3 tuần đầu tiên của năm 2024, giá dầu đã tăng, giảm xen kẽ với 2 tuần tăng và 1 tuần giảm; 3 tuần đầu đã khép lại. Giá dầu vẫn chịu tác động mạnh bởi diễn biến ở khu vực Trung Đông, thời tiết khắc nghiệt và tồn kho xăng dầu ở Mỹ, tình hình khai thác dầu ở Libya, dự báo tăng trưởng dầu trong năm 2024 và các số liệu kinh tế ở Trung Quốc.
Căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục tác động đến giá dầu
Ông Rob Thummel, Giám đốc điều hành tại Tortoise Capital cảnh báo, căng thẳng ở Trung Đông gia tăng nên phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị của giá dầu cũng sẽ tăng. Ngoài ra, sự biến động nhẹ của giá dầu trong các phiên chịu tác động bởi đợt lạnh khắc nghiệt tại Bắc Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ, làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của nước này.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ING, cho biết: “Có những rủi ro về nguồn cung đối với thị trường do sự leo thang ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động nào đến nguồn cung dầu. Và tôi đoán chúng ta sẽ cần chứng kiến sự leo thang đáng kể trước khi điều đó xảy ra”.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất cho vận chuyển năng lượng. Theo EIA, khoảng 5% lượng dầu thô trên thế giới, 10% sản phẩm dầu và 4-8% LNG vận chuyển bằng đường biển đi qua kênh đào Suez; trong đó, khoảng 25% lượng LNG xuất khẩu từ Trung Đông cũng sử dụng tuyến đường này, chủ yếu để cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu.
Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, con đường thay thế chính cho Biển Đỏ, đi vòng quanh châu Phi qua Mũi Hảo Vọng, sẽ làm tăng thêm khoảng hai tuần cho hành trình, có khả năng tăng cước vận chuyển lên tới 1 USD/thùng cho dầu thô và 4 USD/thùng cho các sản phẩm tinh chế.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ công ty môi giới bảo hiểm Willis Towers Watson cho thấy, phí bảo hiểm bổ sung cho rủi ro xung đột đã tăng từ 0,1-0,15% lên 0,2% giá trị tàu, so với mức 0,07% trước đây.
Giới chuyên gia cho rằng, khi có bất kỳ gián đoạn nào đối với vận tải dầu qua Biển Đỏ, có thể dẫn đến giá dầu tăng cao. Nguyên nhân do nguồn cung bị hạn chế và những lo ngại căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông.