Biểu diễn nhạc kèn, diễu hành kỷ niệm chiến thắng 30/4 ở Đà Nẵng Báo chí Pháp đưa tin về chiến thắng 30/4 Chiến thắng 30/4/1975: Dấu ấn truyền thông quốc tế |
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu kỳ tích của quân và dân Việt Nam. Với những ký ức “đi cùng năm tháng”, các thế hệ cha ông luôn tự hào vì được là một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc. Còn thế hệ trẻ hôm nay, khí thế hào hùng ấy, bản hùng ca của dân tộc cách đây 49 năm có ý nghĩa thế nào với họ? Hãy cùng Báo Công Thương lắng nghe những suy nghĩ của thế hệ trẻ hôm nay!
Những ngày tháng không thể nào quên!
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng...”, cứ mỗi dịp có cơ hội được hát vang những câu hát đó trên bất kỳ một sân khấu nào là trong lòng Phạm Đức Quỳnh - cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương lại rộn ràng và bồi hồi, xúc động, đi kèm là niềm tự hào không ngôn từ nào kể xiết. Anh chia sẻ, dù không được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, nhưng mỗi lần hòa mình vào lời hát hay lúc được nghe, được đọc những câu chuyện và xem những thước phim tài liệu về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cảm xúc trong anh lại dâng trào. “Nhờ có các bậc cha ông đi trước đã kiên cường, anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, trong sâu thẳm trái tim, tôi vô cùng biết ơn và luôn luôn nhớ công lao của các bậc cha ông. Hơn hết, tôi cũng như bất cứ người Việt Nam nào, đều quý trọng những ngày tháng hòa bình hôm nay, đồng thời luôn tự nhắc nhở bản thân mình - có những ngày tháng không thể quên và không được phép quên”, Phạm Đức Quỳnh xúc động bày tỏ.
Tinh thần chiến thắng 30/4 sống mãi trong thế hệ trẻ |
Là sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn Trần Huyền Trang chia sẻ, với niềm tự hào về quá khứ và lịch sử dân tộc, chiến thắng 30/4 nói riêng và những chiến thắng oanh liệt của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước nói chung, tôi luôn nghĩ phải cố gắng để xứng đáng với những gì mình được hưởng hôm nay.
“Là những nhà báo tương lai, không chỉ tôi mà tất cả các bạn sinh viên trong trường đều mong muốn sẽ đóng góp công sức trong việc cung cấp các thông tin chính xác đến bạn đọc, nhất là những thông tin về lịch sử của đất nước. Do đó, tôi đã nỗ lực học hỏi, tham gia tích cực các phong trào, hoạt động sinh hoạt truyền thống của tổ chức đoàn, hội...”,Trần Huyền Trang bày tỏ.
Còn với Đào Thị Ngọc Tuyết, một nhân viên văn phòng đam mê với phim ảnh, khi được hỏi cảm nhận về Ngày giải phóng, cô nói: “Mỗi dịp tháng 4 về trong đầu tôi lại xuất hiện câu nói của nhân vật Thăng trong bộ phim “Mùi cỏ cháy - Tháng 4/1975 sẽ trả lời cho bạn hạnh phúc là gì!”.
Viết tiếp tương lai
Có người cho rằng, ngày nay, thời kỳ kinh tế thị trường, cuộc sống trở nên tất bật, phần lớn đã dần quên đi ý nghĩa các ngày trọng đại của lịch sử dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi, dường như mọi người quan tâm đến nghỉ lễ mỗi năm là vào thứ mấy, được nghỉ bao nhiêu ngày, đi đâu và làm gì để giải tỏa căng thẳng sau những giờ lao động, học tập áp lực, vất vả.
Các bạn trẻ đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử tại Dinh Độc Lập |
Tuy nhiên, đừng nhìn cuộc sống một cách phiến diện mà hãy cảm nhận bằng cả lý trí và con tim, ta sẽ thấy tinh thần bất diệt của những ngày tháng 4 lịch sử năm xưa vẫn như vừa mới hôm qua. Bởi, với bao lớp thế hệ đi trước, phần ký ức hào hùng ấy vẫn nằm trọn trong sâu thẳm tiềm thức với cả đau thương và hạnh phúc. Còn thế hệ trẻ, dẫu không được chứng kiến những năm tháng hào hùng ấy nhưng niềm tự hào dân tộc vẫn được cha ông “truyền lửa” từ đời này qua đời khác.
“Phát huy tinh thần và hào khí của đại thắng mùa Xuân 1975, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ trang bị cho mình hành trang kiến thức và rèn luyện đạo đức, ý chí, khát vọng, để noi gương các thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”, bạn Đào Thị Ngọc Tuyết nói
“Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, tôi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, là phải ra sức gìn giữ cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó, mỗi thanh niên Việt Nam phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam”, Phạm Đức Quỳnh bày tỏ.
“Với tất cả sự khâm phục, niềm tự hào và lòng biết ơn, tôi và tuổi trẻ cả nước sẽ luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tài năng và sự sáng tạo viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những Đại thắng mùa Xuân mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như nhà văn Hoàng Trung Thông đã từng viết: “Ta lại viết bài thơ trên báng súng/Con lớn lên viết tiếp theo cha/Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”, Trần Huyền Trang khẳng định.