Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Giải bài toán tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía ngành ngân hàng.
Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng
Hiện nay, khu vực DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (cả nước đang có 857.600 doanh nghiệp hoạt động). Đây là nhóm khách hàng mà ngành ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Đến cuối tháng 6-2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với năm 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều tham gia cho vay DNNVV. Nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.
Cán bộ ngân hàng kiểm tra hàng tồn kho, năng lực tài chính của doanh nghiệp vay vốn. Ảnh: PHÚ SƠN |
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ tình hình thế giới khiến đơn hàng của các DNNVV sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu cao... Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng như tác động không tốt tới việc làm, thu nhập của người lao động.
Để tháo gỡ tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp. Đồng thời có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các DNNVV tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn... Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các DNNVV phát triển.
Nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: "NHNN Việt Nam là một trong số rất ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất. Hiện nay, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Do chính sách có độ trễ nên có thể các TCTD sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Để hạ lãi suất là sự cố gắng rất lớn của NHNN Việt Nam. Bởi, NHNN Việt Nam phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể vừa ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, vừa bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng".
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, hiện nay Luật Các TCTD quy định các TCTD yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án khả thi, năng lực tài chính để bảo đảm khả năng trả nợ, nhằm sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của NHNN Việt Nam cũng quy định như vậy; NHNN Việt Nam không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm (thực tế các TCTD vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN Việt Nam đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay, theo TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn nhưng không vay được thì cần phải quy trách nhiệm cho đối tượng cụ thể.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương là rất quan trọng. Bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và DNNVV được hỗ trợ nhiều hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng: DNNVV cần phải khắc phục những hạn chế của mình. Đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Bởi vậy, DNNVV cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin... Hiện nay, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo đó, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm... sẽ khuyến khích khách hàng mua hàng của doanh nghiệp.
Về phía NHNN Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến kinh tế, tiền tệ; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban, ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và DNNVV nói riêng.