BIDV ra mắt nền tảng số SMEasy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý gì cho Chính phủ? Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” do đơn vị này tổ chức chiều 15/3.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).
Chính sách tín dụng cũng được điều hành phù hợp với diễn biến thực tế. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù…
“Có thể thấy, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh: Tín dụng thương mại tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay |
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Là một trong những ngân hàng đầu tiên, chủ động đưa ra chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay thông thường, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Agribank còn chủ trương áp dụng cơ chế, điều kiện phù hợp để thu hút khách hàng mới tiềm năng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ngân hàng được dễ dàng, thuận tiện.
Bên cạnh đó, Agribank cũng tích cực triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là kênh tiếp cận vốn nhanh, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, khi sử dụng các chương trình ưu đãi của Agribank, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được miễn, giảm phí và giá các sản phẩm bán chéo như phí thanh toán, phí bảo hiểm, phí mở tài khoản tiền gửi thanh toán, phí phát hành thẻ ATM, Internet Banking… Chính vì vậy, nhiều chương trình đã thực sự tạo ra những cú hích lớn góp phần vào tăng trưởng kinh tế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lãnh đạo Agribank còn cho biết thêm, ngân hàng có một bộ phận riêng nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình vay vốn tại ngân hàng. “Bộ phận này có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp đầy đủ các thông tin tin cậy về tài chính ngân hàng, các thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua một số kênh như tư vấn trực tiếp qua cán bộ quan hệ khách hàng...” - ông Hùng thông tin.
Sẵn sàng nguồn vốn phục vụ sản, xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn có phản ánh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Hội nghị trực tuyến “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” |
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện nay lãi suất vay vốn lưu động còn cao, nhất là vay trung và dài hạn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không khả thi vì lãi suất cao quá.
Bà Ngân thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ. “Chúng tôi đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phương án sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ chỗ này và kiểm soát chặt chẽ ở doanh nghiệp khác” - bà Ngân đề xuất.
Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn này lãi suất tăng cao so với năm trước khi có dịch Covid-19 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước những khó khăn tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, ngành ngân hàng sẽ đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hang - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp,…” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó: Rà soát, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2018/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, xem xét xây dựng cơ chế tạo nguồn quỹ dự phòng rủi ro của Quỹ, đảm bảo khi rủi ro xảy ra Quỹ có khả năng xử lý mà vẫn bảo toàn được vốn điều lệ (Bộ Tài chính); Trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cho phép Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm triển khai hoạt động cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tích hợp với cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN và của các Bộ, ngành (Thuế, Hải quan…) tạo cơ sở hình thành kho dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các tổ chức tín dụng giảm thời gian thu thập thông tin và thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố, ông Đào Minh Tú đề nghị các địa phương quan tâm cấp vốn và đẩy nhanh việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chương trình kết nối - ngân hàng doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các Hiệp hội ngành nghề cũng cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình làm cầu nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các tổ chức tín dụng; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.
Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực: Thương mại và dịch vụ chiếm 56,29%, công nghiệp và xây dựng chiếm 40,85%. Các ngân hàng thương mại Nhà nước đang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%. |