Sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai từ ngày 1/4/2023. Đây là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5 - 2% so với thị trường.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gần như “giậm chân tại chỗ”. Đến nay, gói này mới giải ngân được khoảng 1.144 tỷ đồng, tức chưa tới 1%. Trong số này có khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Cần tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ |
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm là do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3 - 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5 - 3% lãi vay thương mại).
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 tổ chức mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có chủ trương sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn cho người dân và doanh nghiệp. “Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi và sẽ sớm công bố lộ trình” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.
“Cửa” đẩy vốn sáng nhất vẫn là bất động sản
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 14/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,79% so với cuối năm 2023, với tốc độ cải thiện qua các tháng và doanh số cung ứng ra nền kinh tế nửa đầu năm nay cao nhất trong ba năm gần đây. Tuy nhiên, có số này còn cách khá xa so với mục mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra là tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng 5-6% trong nửa đầu năm và tăng 14 - 15% trong cả năm 2024.
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Đến 14/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,79% so với cuối năm 2023 |
Theo các chuyên gia kinh tế, 2 tháng gần đây, nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản đang phục hồi, các ngân hàng cần nắm tốt thời cơ để thúc đẩy giải ngân vốn. TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế khẳng định, “cửa” đẩy vốn khả quan nhất hiện nay là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần thiết kế lại chính sách. Theo đó, phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục, thay vào đó là tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay, sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán.
TS. Cấn Văn Lực cũng tin tưởng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn nhờ sự hoàn thiện hành lang pháp lý và yếu tố vĩ mô tích cực, từ đó tín dụng sẽ hồi phục tốt hơn. “Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính - ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn” - ông Lực đánh giá.
Trong khi đó, từ thực tế ngân hàng, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, 6 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản nói chung có sự sụt giảm ở nhiều ngân hàng, MB cũng không ngoại lệ. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang cho vay bất động sản ở 4 lĩnh vực, bao gồm: Cho người dân vay để mua nhà ở; bất động sản khu công nghiệp; bất động sản các dự án nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Phạm Như Ánh, trong 6 tháng đầu năm, 4 lĩnh vực này của bất động sản đều gặp khó khăn. Đối với cho vay bất động sản mua nhà để ở, do kinh tế khó khăn và tình hình thu nhập của người dân hạn chế nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà trong 6 tháng đầu năm khá chậm. Thị trường cho vay bất động sản chậm, giao dịch ít, giá cũng ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm thời gian tới, do đó, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng, trong đó có MB. Trong khi đó, ông Ánh cho rằng, đây lại là lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính.
Lĩnh vực khó khăn thứ hai là bất động sản nghỉ dưỡng. Sau Covid-19, mảng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa được phục hồi. Lượng khách du lịch được phục hồi một phần so với trước Covid-19, nhưng lượng cung của bất động sản nghỉ dưỡng quá lớn trong giai đoạn Covid và trước Covid, do đó mảng này hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Với bất động sản khu công nghiệp, mảng này được ông Ánh ví như điểm sáng của 6 tháng đầu năm. Cơ bản các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đều tăng trưởng được. Các dự án bất động sản khu công nghiêp cơ bản cũng được tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý.
“Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các ngân hàng cho vay. MB cũng là một ngân hàng cho vay nhiều trong mảng bất động sản khu công nghiệp. Sự dịch chuyển của FDI vào Việt Nam cũng có tác động tốt lên mảng này” - ông Ánh nói.
Đối với bất động sản các dự án nhà ở, câu chuyện pháp lý một lần nữa được ông Ánh nhắc đến. “Vừa qua, Chính phủ cũng như các Bộ, Ban, Ngành cũng đang tập trung tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên cũng đang trong quá trình thôi, mới tháo gỡ được một phần. Quá trình này phụ thuộc vào các luật mới như luật đất đai, luật nhà ở… các luật có hiệu lực từ tháng 7, tháng 8 tới” - Tổng giám đốc MB chia sẻ.
Lãnh đạo ngân hàng MB cũng cho rằng, sau khi luật mới có hiệu lực, hàng loạt các vấn đề sẽ được tháo gỡ. Đồng thời hi vọng đến quý 3/2024, quý 4/2024 lĩnh vực bất động sản các dự án nhà ở sẽ được tháo gỡ. Từ đó tạo một hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản.
Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, các dự án có khả năng thanh khoản tốt… Qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2024. Với gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân. Qua đó, khẩn trương có giải pháp khả thi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương... |