Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn, để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 được triển khai từ 1/4/2023 đến hết năm 2030. Có 4 ngân hàng thương mại nhà nước hoặc vốn nhà nước chi phối là Agirbank, VietinBank, Vietcombank và BIDV tham gia gói tín dụng này. Lãi suất cho vay được thực hiện thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất vay trung bình liên ngân hàng. Năm 2024, TPBank là ngân hàng cổ phần được bổ sung tham gia chương trình tín dụng này với nguồn vốn cho vay là 5.000 tỷ đồng.
Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội chưa đạt 1% |
Sau 1 năm triển khai, hoạt động cho vay của gói tín dụng này mới giải ngân chưa đến 1% nguồn vốn. Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã có 3 ngân hàng cho các chủ đầu tư vay vốn làm nhà ở xã hội của gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng với số tiền đã giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội tại 7 tỉnh, thành phố khoảng 640 tỉ đồng, chưa đến 1% của gói.
Được biết, nhu cầu vay vốn của chủ đầu tư xây nhà ở xã hội và của người có nhu cầu mua nhà thuộc phân khúc này là rất lớn. Hiện có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Và các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, để giải ngân được thì vẫn phải tháo gỡ không ít vướng mắc như: Khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, hay tính thanh khoản của dự án, doanh nghiệp vướng nợ xấu…; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất hay chuyển mục đích sử dụng đất…
Lãi suất cho vay chưa hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến giải ngân gói tín dụng này không được như kỳ vọng, hiện cho vay đang dao động ở mức 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Theo đánh giá của doanh nghiệp và người dân thì lãi suất như vậy vẫn khá cao và thời hạn ưu đãi không dài, chỉ trong vòng 3-5 năm nên cũng là những điểm hạn chế.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nguồn vốn của chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là của các ngân hàng thương mại nên dù có những chính sách ưu đãi lãi suất thì việc giải ngân vẫn phải đúng quy định, đúng đối tượng. Thời gian thực hiện gói vay kéo dài, phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, nên không giải ngân thật nhanh, nhưng quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của các ngân hàng thương mại là phải giải ngân ngay với những dự án đủ điều kiện.
Cũng liên quan tới công tác cho vay mua nhà ở xã hội, trong Báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội, thông tin về chính sách cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, báo cáo cho biết: Cho vay nhà ở xã hội đạt 10.281 tỷ đồng để hỗ trợ mua và xây dựng hơn 26,2 nghìn căn nhà ở xã hội, bằng 100% kế hoạch sau khi điều chỉnh theo Nghị quyết số 181/NQ-CP. Việc thực hiện chính sách đã góp phần giúp người thu nhập thấp cùng gia đình có nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, công tác cho vay nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra do gguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế; nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách xã hội; chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm…
Chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà ở xã hội diễn ra cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với vay thương mại thông thường; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp, vay vốn.