Sau một thời gian giá rớt thê thảm do dịch COVID-19, những ngày gần đây, giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long... đã hồi phục, tăng giá trở lại.
Mặt hàng thanh long được bán không lợi nhuận tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op |
Hiện, giá dưa hấu tại các hệ thống của siêu thị Vinmart được bán với giá 22.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ được bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Còn tại các chợ truyền thống, dưa hấu có giá 20.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ có giá 25.000-30.000 đồng/kg. So với khoảng 10 ngày trước đây tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo các chủ cửa hàng, giá trái cây tăng mạnh trở lại do hàng hóa đã bớt ứ đọng tại các cửa khẩu, dù chưa được xuất nhiều như trước. Trong khi đó, một lượng rất lớn các loại trái cây đang được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thực tế, những ngày trước đó, khi trái cây bị ùn ứ do không xuất được sang Trung Quốc, các hệ thống siêu thị lớn đã quyết định đẩy mạnh thu mua hàng chục nghìn tấn thanh long, dưa hấu nhằm giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng tích cực mua trái cây sau đó phát miễn phí cho người dân nhằm chung tay hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng này. Bà Lê Ngọc Anh, Trường Đại học Y (Hà Nội) cho biết, công đoàn trường đã cùng sinh viên tham gia hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, hiện nay, Chính phủ đã bắt đầu cho phép thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu, với điều kiện là kiểm soát chặt dịch bệnh.
Hiện tại Lạng Sơn, mới có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thông quan trở lại, các cửa khẩu phụ vẫn đóng. Song, trung bình mỗi ngày cửa khẩu Hữu Nghị thông quan được khoảng 50-100 xe container hàng nông sản nên không còn tình trạng ùn tắc như mấy ngày trước.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Phan Hồng Tiến cho biết, thời gian qua, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh ngay tại của khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn thường xuyên trao đổi với các lực lượng chức năng thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) để tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy việc thông quan hàng hóa một cách thuận lợi nhất.
Cùng với đó, cơ quan này cũng làm việc với phía bạn để sớm thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam với việc áp dụng quy trình kiểm soát, kiểm tra dịch bệnh nghiêm ngặt giống như tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tổng rà soát tình hình sản xuất các nông sản, đặc biệt là các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới để đưa ra các kịch bản ứng phó gắn với các diễn biến tình hình. Có thể một số đối tượng sản xuất nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi sang cây trồng khác như dưa hấu. Đây là cơ hội tạo áp lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sâu hơn.
“Doanh nghiệp cũng cần tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. Người dân cũng cần đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.