Quảng Nam: Các xã miền núi “ngại” phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đề xuất gì? |
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 317 sản phẩm OCOP tại 193 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố, của 226 chủ thể.
Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình OCOP |
Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 54 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm đạt 3 sao. Về phân nhóm sản phẩm, có 240 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 16 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 42 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và 19 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược.
Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: cói Nga Sơn; bưởi Luận Văn; bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành;…
Cùng với việc gắn sao các sản phẩm OCOP, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị: Co.opmart, BigC tại Thanh Hóa và trên địa bàn các tỉnh/thành phố như Nghệ An, Nam Định, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La. Định kỳ hàng năm tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của thành phố Sầm Sơn…; phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh;…
Thông qua Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền.
Đồng thời, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đến năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 559 sản phẩm OCOP được chứng nhận sản phẩm cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm OCOP đề xuất công nhận sản phẩm cấp Quốc gia.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào một loạt các giải pháp. Theo đó, hướng dẫn các chủ thể OCOP nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Đầu tư đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể OCOP quan tâm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác giá trị tài nguyên bản địa (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, văn hóa,…).
Phát triển sản xuất sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu thị trường (VietGAP, hữu cơ, sinh thái, HACCP, GMP, ISO,…); phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đa giá trị, phát triển mới các sản phẩm xung quanh hệ sinh thái lõi là sản phẩm OCOP.
Đối với các sản phẩm đạt 3 - 4 sao, tỉnh sẽ rà soát các tiêu chí còn thiếu để có kế hoạch hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia đánh giá nâng hạng sao.
Song song với công tác nâng chất cho sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương.
Xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lớn trong nước; Đẩy mạnh phát triển các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Kết nối đưa các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa vào các siêu thị lớn; và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU.
Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.
Là tỉnh lớn cả về diện tích và dân số; có cả vùng đồng bằng, ven biển và vùng trung du, miền núi, có tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP và các sản phẩm du lịch nông thôn; thời gian qua, Thanh Hóa luôn xác định thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các Chương trình chuyên đề để xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, chất lượng.
Để tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP gắn với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng thành viên có liên quan.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tăng cường công tác tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình OCOP.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và thí điểm các mô hình, dự án, đề án điểm tại Thanh Hóa như: mô hình chuyển đổi số, thí điểm các trung tâm sáng tạo phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm OCOP, các mô hình phát triển du lịch nông thôn...