Bắc Kạn: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP Xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam gặp khó khăn gì? Thiếu khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp |
Vì sao nhiều địa phương miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới?
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64%. Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 155 xã). Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Quảng Nam: Các xã miền núi “ngại” phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới |
Lý giải về vấn đề này, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, các xã miền núi cao, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn (KV1).
Mặt khác, giai đoạn trước đây khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ tiêu đạt chuẩn áp dụng tại các xã thuộc khu vực miền núi phía Bắc, tuy nhiên, hiện nay áp dụng theo khu vực duyên hải Nam Trung bộ, nên khi rà soát theo Bộ tiêu chí mới thì gần 50% số tiêu chí không đạt chuẩn, nguy cơ cao bị thu hồi quyết định công nhận.
Một vấn đề nữa được đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam nhắc đến đó là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức...), trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó.
Thực trạng của tỉnh Quảng Nam hiện nay ở một số xã, cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế ở vùng đặc biệt khó khăn, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đã làm đơn xin chuyển công tác sang các địa bàn lân cận để được hưởng chế độ an sinh xã hội của xã đặc biệt khó khăn.
Do vậy, nhiều địa phương miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, khó thực hiện đạt mục tiêu do trung ương giao (đạt ít nhất 80% số xã).
Khó ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia
Các huyện đồng bằng tại Quảng Nam đã có 90 - 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều thuộc xã đặc biệt khó khăn, huyện miền núi cao, thuộc địa bàn đầu tư của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững).
Các xã này hiện nay không được phân bổ vốn Ngân sách Trung ương từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà phải sử dụng nguồn từ 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại. Tuy nhiên, 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại cũng cần cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu của từng Chương trình mình nên việc lồng ghép để xây dựng nông thôn mới còn khó khăn.
Tại Nghị quyết 25/2021/NQ-QH Quốc hội chỉ đạo HĐND tỉnh: “Xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện chương trình trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Thực tế hiện nay cho thấy, có những nội dung, nhiệm vụ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không đủ điều kiện đầu tư, trong khi đó, nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nguồn nhưng không thể đầu tư. Dẫn đến tình trạng những xã của địa bàn đặc biệt khó khăn, huyện nghèo có một số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025, nếu không đầu tư thì không đạt chuẩn sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
Do khó khăn trong xác định nội dung bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia nên nhiều tỉnh cũng chưa ban hành cơ chế lồng ghép, nhất là việc lồng ghép 3 nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia trong 1 dự án.
Nếu 1 xã đặc biệt khó khăn có 10km đường xã, để đạt chuẩn nông thôn mới thì 100% đường xã này phải được đầu tư bê tông hóa; nếu vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đầu tư 4km, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội miền núi đầu tư 4km; còn lại 2km thì Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đầu tư thì mới đạt chuẩn, nhưng đầu tư từ Ngân sách Trung ương sẽ không được; vậy có chồng chéo, trùng lặp về phạm vi (đều đầu tư địa bàn đặc biệt khó khăn), đối tượng (đều đầu tư hạ tầng), nội dung (đều đầu tư đường giao thông) giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia?
Hay như công tác truyền thông, tuyên truyền, thì đối với 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại (miền núi và giảm nghèo) đã có hợp phần này nên chỉ sử dụng 1 nguồn để tuyên truyền, truyền thông cho cả 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi một chương trình có nội dung, cách thức thực hiện tuyên truyền khác nhau nên việc xử lý chồng chéo trong công tác tuyền thông cũng rất khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương cần hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh có điều kiện xây dựng cơ chế lồng ghép.
Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất, đối với các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới thì đối với các chế độ an sinh xã hội cho người dân nên cho phép người dân được hưởng thêm 5 năm, kể từ năm đạt chuẩn nông thôn mới để giảm bớt khó khăn cho người dân ở các xã ở miền núi. Đây cũng là những địa phương rất khó khăn và luôn bị thiệt thòi sau các đợt mưa, lũ.