Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kiến tạo hệ sinh thái để bứt phá Nhức nhối hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử Sàn thương mại điện tử: Chung tay bảo vệ người tiêu dùng |
Tỉnh Thanh Hóa đang đẩy phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Tỉnh này đặt mục tiêu phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử với tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử năm 2022 trong tổng mức bán lẻ chiếm tối thiểu 7%.
Để đạt kế hoạch đã đề ra, Thanh Hóa đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trên địa bàn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng thị trường, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở đó, ngoài nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo như: Tập huấn kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số. Duy trì, cập nhật, nâng cấp, vận hành hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (http://thuongmaidientuthanhhoa.vn) để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thanh Hoá với sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để hỗ trợ phân phối, hợp tác xã, người dân. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử trong nước và “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử thông qua việc tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử cho cán bộ, công chức phụ trách.
Anh Tại Văn Tuấn, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: “Từ hơn 2 năm nay, gia đình tôi đã bỏ thói quen dùng tiền mặt. Tất cả các giao dịch mua hàng hóa, trong đó có hàng thiết yếu hàng ngày, tôi đều dùng thẻ ATM hoặc chuyển khoản. Thương mại điện tử vừa an toàn lại nhanh gọn, chính xác. Mọi người nên sớm tiếp cận thương mại điện tử”.
Còn ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc Sài Gòn Co.opmart (Hệ thống Siêu thị Co.opmart miền Bắc) cho hay: “Hiện nay người tiêu dùng đang sử dụng khoảng từ 15% đến 20% giao dịch thương mại điện tử trong tổng doanh số và xu hướng thương mại điện tử đang tăng dần. Chúng tôi thấy, giao dịch thương mại điện tử tại Co.opmart chủ yếu là những người công chức, đặc biệt là khối văn phòng. Hiên nay, những người nội chợ cũng đang chuyển dần sang sử dụng thương mại điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt, đặc biệt là sau dịch Covid-19 nhiều người đã quen việc mua bán online, giờ chuyển sang dùng thẻ khá nhiều”.
Thống kê của Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa cho thấy, hiện nay người tiêu dùng đang sử dụng khoảng từ 15% đến 20% giao dịch thương mại điện tử trong tổng doanh số. |
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả trong việc phát triển thương mại điện tử, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các sở, ban ngành về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thương mại điện tử. Ngành Công Thương Thanh Hóa chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thương mại điện tử; quảng bá hình ảnh, thông tin trên môi trường mạng; các tiện ích và ứng dụng trong việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa, thanh toán điện tử, chống gian lận thương mại; hàng giả, hàng nhái, các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng. Góp phần đưa hoạt động thương mại điện tử đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa thường xuyên liên hệ với Bộ Công Thương tiếp nhận thông tin, các văn bản pháp quy để phổ biến, triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân thông qua trang Web ngành. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp về thương mại điện tử.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Tỉnh Thanh Hóa đang thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử, phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu phát triển thương mại điện tử: có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% doanh nghiệp có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm; 100% thủ tục hành chính công trực tuyến, các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mức độ 3 trở lên; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian chiếm 80%; 60% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và chứng thực chữ ký số.
Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả thương mại điện tử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Trần Đức Lương cho biết: “Thương mại điện tử được xem là một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa. Thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý và doanh nghiệp có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch với đối tác. Điều này cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian trong khi giao dịch”.