Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình OCOP tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có hàng loạt kế hoạch, quyết định phê duyệt và khởi động Chương trình OCOP. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh là cơ chuyên trách triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Qua đó giúp các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Hơn 4 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho trên 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp; các Doanh nghiệp, Hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình OCOP.
Ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại Hội chợ hàng nông thôn tiêu biểu được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa tháng 10/2022. |
Bên cạnh đó, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình OCOP: lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng xây nông thôn mới để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.
Để thúc đẩy cho sự phát triển của các sản phẩm OCOP được công nhận, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, thị trường, như: các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại: siêu thị Co.opMart, Khách sạn Sao Mai, Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Hà Nội; bãi biển Sầm Sơn trong dịp khai trương hè Sầm Sơn…
Nhiều sản phẩm OCOP ra thị trường thế giới
Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (huyện Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP sản xuất và chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, Công ty TNHH Việt Trang (huyện Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; Ghế tre thư giãn cao cấp của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina (huyện Hà Trung) đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu… Bên cạnh đó, thông qua giao dịch điện điện tử, các sản phẩm OCOP đã được bán rộng rãi trong cả nước.
Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thiệu Hóa đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, hợp tác xã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chương trình OCOP tại huyện Thiệu Hoá đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. |
Đến nay, toàn Thiệu Hóa đã phát triển được 10 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm được đánh giá xếp hạng 4 sao gồm: Trống đồng và tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên, mặt trống đồng và trống đồng Toàn Linh, trống đồng Quý Châu, dưa chuột baby Vạn Hà, dưa vàng Vạn Hà.
Chương trình OCOP tại huyện Thiệu Hoá đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn tại huyện Yên Định hiện có 9 sản phẩm được công nhận OCOP được xếp hạng 3 sao gồm: Tổ Yến tinh chế thượng hạng xã Yên Phong; Trứng gà Vân Nghĩa xã Yên Trường; hương trầm Hùng Luyến xã Định Tân; bưởi Thanh Đường xã Yên Ninh; bánh lá răng bừa Nam hương xã Định Long; Dưa vàng Viên Hương xã Định Hòa, Miến gạo Phúc Thịnh thị trấn Quý Lộc, tương Làng Ái xã Định Hải, gạo Hưng Phúc xã Định Tiến.
Có thể nói, sau hơn 4 năm triển khai, chương trình OCOP ở tỉnh Thanh Hóa đã có sự lan toả mạnh mẽ, các địa phương chủ động triển khai phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8 năm 2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP của 4.351 chủ thể đạt 3 sao trở lên. Đặc biệt, thông qua chương trình nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, điểm du lịch. Hiện, cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP được công nhận thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. |