Biểu tượng Cổng trời Mường Lát có nguy cơ sạt xuống chân núi Thanh Hóa: Cần thanh tra, làm rõ việc điều động, bổ nhiệm cán bộ ở Mường Lát |
Mường lát là huyện biên giới cùng cao xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, với đặc thù địa hình chủ yếu là rừng núi dẫn đến việc quy hoạch, cấp phép mỏ khoáng sản, đặc biệt là mỏ cát gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, vài năm trở lại đây Mường Lát được sự quan tâm của Nhà nước nên đang tiến hành đầu tư xây dựng nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn. Thực trạng trên đã dẫn đến việc khan hiếm nguồn cát phục vụ dự án, giá cát bị đội lên gấp nhiều lần.
Nhiều dự án trên huyện Mường Lát 'đói cát'. (Ảnh: QH) |
Ông Lương Văn Liêm, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Mường Lát cho biết, hiện trên địa bàn huyện đang triển khai khoảng 100 dự án, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có dự án nạo vét lòng hồ Thuỷ điện Trung Sơn được tận thu cát làm vật liệu xây dựng và bị cấm khai thác vào mùa mưa, đồng thời trữ lượng khai thác 6 tháng đầu năm đã bán hết dẫn đến thực trạng nguồn cát khan hiếm.
“Địa bàn huyện triển khai trung bình 1 năm khoảng 160 dự án lớn nhỏ, trong đó giá cát của dự án được quy định theo phê duyệt của tỉnh, tùy theo từng địa phương sẽ phải tính toán thêm chất lượng cát, cước vận chuyển, cung đường,… để đưa ra giá cát cho từng dự án. Nếu như trên địa bàn huyện Mường Lát không có mỏ cát, các điểm tập kết cát được cấp phép, hoặc có nhưng không đủ trữ lượng phục vụ cho các dự án, thì phải lấy cát từ các địa phương lân cận. Đơn cử như một số dự án tại xã Quang Chiểu, xã Mường Chanh sẽ phải lấy cát tại các mỏ thuộc huyện Quan Sơn, Bá Thước, cách chân công trường khoảng 120-150km. Ngoài ra còn rất nhiều dự án cách xa điểm mỏ cát, dẫn đến giá cát bị đội lên đến 3, 4 lần”, ông Liêm chia sẻ thêm.
Ngoài việc đội giá cát lên cao, thực trạng “đói cát” còn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, vì cung đường lấy cát rất xa, nhà thầu phải tính toán kỹ lưỡng về cung đường, cước vận chuyển để đảm bảo thi công dự án không chậm tiến độ.
Nhiều dự án đầu tư công bị 'đội vốn' do giá vật liệu tăng cao đột biến. (Ảnh: QH) |
Theo đại diện Công ty TNHH Long Linh (một nhà thầu đang triển khai dự án tại huyện Mường Lát) cho biết, thực trạng khan hiếm cát, phải lấy cát ở các điểm mỏ rất ra như huyện Bá Thước đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
“Hiện chúng tôi đang thi công dự án ở xã Mường Chanh, là xã xa nhất của huyện Mường Lát, chúng tôi phải lấy cát ở điểm mỏ huyện Bá Thước cách khoảng 150km với giá cát khoảng 600 nghìn/khối. Có một điểm mỏ bên huyện Quan Sơn nhưng chất lượng chỉ làm cát bê tông, không phục vụ cho xây, trát được”, đại diện Công ty TNHH Long Linh nói.
Thực trạng “đói cát” không chỉ ảnh hưởng đến “đội vốn” các dự án đầu tư công, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi có nhu cầu xây dựng các công trình nhỏ lẻ như nhà ở. Người dân phải chấp nhận mua cát giá cao tại các điểm tập kết, trung chuyển nhỏ lẻ trên địa bàn.
Còn ông Hà Văn Tế, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát cho biết, trên địa bàn hiện không còn mỏ cát nào trong thời gian được khai thác, hiện huyện cũng đã đưa vào kế hoạch điểm mỏ cát ở xã Mường Lý, Trung Lý để UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu giá.
Không chỉ các dự án đầu tư công, mà các công trình dân dụng cũng chịu giá cát cao ngất ngưởng. (Ảnh: QH) |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, hiện bên nước bạn Lào (khu vực giáp ranh với huyện Mường Lát) đang hoàn thiện hồ sơ cấp phép một mỏ cát, nếu đi vào hoạt động sẽ là một sự lựa chọn để các nhà thầu mua cát, từ đó sẽ giảm giá thành vật liệu, giảm vốn đầu tư các dự án trên địa bàn. Theo tính toán sơ bộ, từ điểm mỏ về đến cửa khẩu huyện Mường Lát chỉ khoảng 5km, về đến trung tâm huyện Mường Lát chỉ khoảng 10km.
Trước đó, vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát tại xã Mường Lý và xã Trung Lý (huyện Mường Lát) đối với Công ty TNHH Rạng Đông.
Lý do hủy kết quả trúng đấu giá, quá thời hạn theo quy định, Công ty TNHH Rạng Đông không nộp hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản khu vực mỏ theo quy định và doanh nghiệp này chấp nhận mất 419 triệu đồng tiền đặt cọc.