Tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.
Theo ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chưa bao giờ mà tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng âm như vậy. Cụ thể, xuất khẩu hàng may mặc giảm 5,98% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 8,2 tỷ USD; xơ sợi giảm 11,54%; vải không dệt giảm 22%; nguyên phụ liệu giảm 6%. Đối với nhập khẩu, bông giảm 7,98%; xơ sợi các loại giảm 2,45%; vải giảm 10,99%; nguyên phụ liệu giảm 5,82% so với cùng kỳ 2019.
Trong tháng 4/2020, các mặt hàng xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đều có mức tăng trưởng âm |
Phân tích sâu hơn về tình hình của ngành trong 4 tháng đầu năm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, dịch Covid-19 đã tác động kép tới ngành dệt may Việt Nam. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. “Thậm chí nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, doanh nghiệp không gánh được chi phí lưu kho bãi. Sang tháng 5 và tháng 6/2020, dệt may Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp vẫn phải tập trung ứng phó, tìm giải pháp duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động”, ông Cẩm nói.
Về kịch bản phát triển của ngành dệt may trong năm 2020, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiên lượng, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, đặc biệt là tổng cầu của thế giới dự kiến giảm khoảng 25% thì ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kịch bản sáng nhất là ngành sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD xuất khẩu và xấu nhất là đạt khoảng 30 tỷ USD.
Báo cáo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đưa ra gần đây cũng cho thấy, trong ngắn hạn ngành dệt may vẫn thiếu động lực tăng trưởng, trong khi triển vọng dài hạn vẫn chưa rõ ràng. Theo phân tích của VNDIRECT, biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ có tác động nghiêm trọng hơn lên ngành dệt may Việt Nam trong quý II/2020. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vẫn là những yếu tố hỗ trợ. Tuy nhiên, nút thắt trong khâu sản xuất vải và sự phục hồi sau đại dịch vẫn là những vấn đề cần được giải quyết để có bước tiến xa hơn.