Doanh nghiệp kỳ vọng vào các buổi trao đổi trực tiếp với Tham tán thương mại Doanh nghiệp dệt may mong được hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam |
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng qua từng năm, sản phẩm của Việt Nam đã có mặt ở thị trường hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong kết quả đó có đóng góp quan trọng của các Tham tán thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam, Báo Công Thương ghi nhận nhanh các ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung - Tây Nguyên về vai trò của các Tham tán thương mại của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Đại điện Công ty Đường Quảng Ngãi đánh giá cao vai trò quan trọng của các đơn vị của Bộ Công Thương như Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu |
Bà Huỳnh Thị Ngọc Diệp – Đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi): Hiện sản phẩm của Công ty Đường Quảng Ngãi đã xuất khẩu đến rất nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh sự chủ động nỗ lực của doanh nghiệp trong tìm kiếm và tiếp cận thị trường, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Công Thương, nhất là các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để doanh nghiệp nắm được các chương trình xuất khẩu, quảng bá. Tiêu biểu là chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc thông qua việc thông tin về thị trường và thủ tục xuất nhập khẩu khi vào thị trường tỷ dân này. Từ sự hỗ trợ này, chúng tôi rút ngắn đáng kể thời gian tiếp cận thị trường. Bởi doanh nghiệp không có mặt thường xuyên thị các thị trường xuất khẩu, sự hỗ trợ của các Tham tán thương mại giúp chúng tôi tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn.
Trong thời gian tới, Công ty Đường Quảng Ngãi mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thông qua thông tin về các thị trường xuất khẩu nhiều hơn, các chính sách xuất nhập khẩu ở thị trường sở tại để hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp hiệu quả hơn, đưa sản phẩm Việt Nam đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng thế giới.
Bà Nguyễn Vũ Tú Anh (ngoài cùng, bên trái) cho rằng, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa thì kênh tìm kiếm, mở rộng thị trường qua các Thương vụ Việt Nam là vô cùng hiệu quả và an toàn |
Bà Nguyễn Vũ Tú Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm – Care (tỉnh Đắk Lắk):
Doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận thị trường thường nghĩ tới kết nối trực tiếp (B2B). Điều này thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đi theo hướng này doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn do không thể nắm rõ thị trường và chi phí cho doanh nghiệp tự trang trải để tiếp cận với các khách hàng sẽ rất lớn.
Sau dịch Covid – 19, chuỗi phân phối toàn cầu bị đứt gãy nhiều, lạm phát và kinh tế nhiều quốc gia suy thoái. Tại một số quốc gia như Đức còn đưa mặt hàng cà phê vào diện mặt hàng xa xỉ, khiến việc tiếp cận đối tác, tìm kiếm thị trường mới gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, vai trò của tham tán thương mại càng quan trọng hơn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa. Việc tiếp cận thị trường và tìm kiếm thị trường qua các thương vụ Việt Nam là cực kỳ an toàn. Vì tham tán thương mại là người hiểu rõ nhất doanh nghiệp tại nước sở tại cũng như các sản phẩm thiết yếu hay nhu cầu của thị trường đó. Đặc biệt là có sự đảm bảo về an toàn cho cả hai bên.
Nếu doanh nghiệp được sự hỗ trợ từ các tham tán thương mại và Bộ Công Thương thì đây là sự thuận lợi lớn cho doanh nghiệp. Nhìn từ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, chúng tôi đã được hưởng lợi hỗ trợ trong chuyến xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc khi chúng tôi tìm kiếm được công nghệ sấy khô quả cà phê đặc sản từ sự thông tin, kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc. Nhờ đó, chúng tôi đã được nhà sản xuất công nghệ Hàn Quốc đặt máy sấy container 40 feets đặt triển lãm tại Minudo Farm trong 2 năm hoặc có thể hơn, đối tác còn cử chuyên gia sang hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp, giúp chúng tôi tìm ra giải pháp giữ chất lượng hạt cà phê dù thu hoạch trời mưa, hiểu về công nghệ sấy để có thể chế biến cà phê chất lượng cao và mở ra tiềm năng xuất khẩu cà phê nhân xanh.
Những thông tin tư vấn, kết nối từ các Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất quý đối với doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn có những thông tin về thị trường thì phải có những “thiết bị đo lường” hoặc phải nhờ đến bên thứ 3 (đơn vị tư vấn xuất khẩu – PV) với chi phí rất lớn, chưa tính đến việc chưa đảm bảo độ chính xác thông tin. Đặc biệt là ý nghĩa trong thông tin các cảnh báo thương mại. Các Tham tán thương mại ở tại thị trường sở tại, họ nắm được rõ thị trường và có chuyên môn, có sự hỗ trợ của các cơ quan thương mại của nước sở tại, thì thông tin của họ chính xác và an toàn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (thứ 2, từ phải sang) nhận định các Tham tán thương mại chính là "cầu nối" hiệu quả để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn ra thế giới (Ảnh: Ông Sơn giới thiệu sản phẩm của đơn vị đến Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại chương trình triển lãm sản phẩm tiêu biển miền Trung - Tây Nguyên diễn ra từ ngày 11 - 14/5 tại TP. Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Hương Quế (thành phố Đà Nẵng):
Công ty Hương Quế đã nhận được sự hỗ trợ thông tin thị trường tích cực của các Tham tán thương mại tại Pháp, Nhật Bản và hiện chúng tôi đang liên hệ nhờ hỗ trợ, tư vấn thông tin của Tham tán thương mại tại Thái Lan trước chuyến đi kết nối giao thương sắp tới đây. Chúng tôi đã gửi thông tin sản phẩm của mình (gồm mẫu sản phẩm, thông tin giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và thông qua sự hỗ trợ của các Tham tán thương mại chia sẻ, kết nối giới thiệu sản phẩm.
Theo tôi, các Tham tán thương mại có rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, nhưng nổi bật nhất là trong vai trò cơ quan thường trực về thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Các Tham tán thương mại đã làm rất tốt vai trò “bắc nhịp cầu” cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu. Họ nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách, thuế suất, các hàng rào về kỹ thuật thương mại ở các nước sở tại để chuyển về trong nước, từ đó, Bộ Công Thương kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp nắm bắt được. Các Tham tán thương mại cũng là người chuyển tải thông tin các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh có thể xuất khẩu sang thị trường đó, làm “nhịp cầu” cho bên mua và bên bán gặp nhau, thông qua các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại hoặc tiếp xúc song phương thông qua thư điện tử.
Quan trọng là doanh nghiệp có chủ động để tiếp cận với kênh hỗ trợ này hay không. “Quả bóng” vẫn nằm ở chân của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận, đề nghị các thương vụ hỗ trợ thông tin. Ví dụ như Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, để thực hiện các FTA, ở các nước sở tại cũng sẽ có những văn bản dưới luật (triển khai cụ thể) thì doanh nghiệp phải nắm bắt và muốn có thông tin đó thì doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận với thương vụ Việt Nam ở thị trường xuất khẩu để được hỗ trợ.
Doanh nghiệp đề xuất có Ngày hội hàng Việt Nam ở nước ngoài do các Thương vụ Việt Nam tổ chức để kết nối các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đến các nhà nhập khẩu, phân phối tại thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Để hoạt động xúc tiến xuất khẩu thuận lợi và hiệu quả hơn, Tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét trong chức năng, nhiệm vụ của Tham tán thương mại ở các quốc gia, (nhất là tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm) sẽ hình thành được các showroom để giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng sang thị trường xuất khẩu. Các Showroom này sẽ có thời gian mở cửa cố định hoặc trong các dịp lễ, kỷ niệm lớn để kết nối các sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đến các nhà nhập khẩu của nước sở tại. Về phía doanh nghiệp sẽ có nhiệm vụ đưa sản phẩm, thông tin sản phẩm và chung nguồn lực thông qua việc đóng phí để thực hiện và duy trì hoạt động của showroom.
Quan trọng là Nhà nước phải có chủ trương, văn bản hóa, và phải có cơ chế rõ ràng chứ không phải chỉ là hoạt động kết hợp. Nếu làm được điều này sẽ rất tiện lợi, hiệu quả. Doanh nghiệp đỡ tốn kém, vất vả. Tôi xin nhấn mạnh là không ai nắm bắt được thị trường, doanh nghiệp, xu hướng tiêu dùng của nước nhập khẩu bằng các Tham tán thương mại vì họ có quyền hạn được tiếp xúc với cơ quan thương mại của quốc gia đó và có thông tin các nhà nhập khẩu chính thống, chính xác.