Thái Nguyên: Liên tục thu giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc Quả ngọt từ sự “đồng lòng”, “thông suốt” ở Thái Nguyên Thái Nguyên: Những người “giữ lửa” nghề mây tre đan truyền thống Thù Lâm |
Giã Trung là một ngôi làng thuộc phường Tiên Phong (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Nhờ sự phát triển nhanh chóng của nghề mộc, đời sống của không ít hộ dân trong làng đã được cải thiện và nâng cao.
Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung (phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) |
Vàng son một thuở
Ông Dương Minh Hiến (49 tuổi, làng Giã Trung) hồi tưởng, vào thời kỳ hoàng kim của nghề, đi khắp làng, đâu đâu cũng vang vọng tiếng cưa, đục, bào, tiếng máy xẻ gỗ. Thời điểm đó, chỉ cần ghé thăm bất cứ gia đình nào trong làng cũng có thể cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, cả chủ lẫn thợ đều tất bật.
Vào giai đoạn 2003-2004, một số người dân trong xã đi lao động tại làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã đem theo nghề mộc trở về Giã Trung. Từ đó, nghề mộc xuất hiện và dần trở thành nghề chính của người dân. Ban đầu, nguồn gỗ được sử dụng từ những cây sẵn có trong vườn nhà như xoan, keo, bạch đàn. Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, người dân nơi đây đã mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nguồn gỗ quý từ các tỉnh, thành trong nước và cả các quốc gia khác như Malaysia, Lào.
Nhiều chủ xưởng gỗ đã đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất |
“Thời kỳ hoàng kim nhất của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung là những năm 2012 đến 2015, lúc đấy cả làng có gần 200 xưởng sản xuất. Mỗi xưởng có từ 7 đến 15 lao động, cả làng có 1.700 lao động tham gia sản xuất đồ gỗ. Các lao động không chỉ là người dân sinh ra và lớn lên trong làng mà còn đến từ các địa phương khác. Nghề mộc đã đem lại thu nhập 15 triệu đồng/tháng cho mỗi lao động”, ông Hiến miên man với những dòng hồi tưởng về một thuở vàng son của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung.
Làng nghề Giã Trung có nhiều nghệ nhân tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, tư duy sáng tạo đã tạo ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, được chạm trổ tinh tế, kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ điển và hiện đại. Những người làm nghề trong làng, lớp thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho lớp thế hệ sau lưu giữ những tinh hoa của nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng là niềm đam mê, là đứa con tinh thần nên được chăm chút tỉ mỉ, cầu kỳ đến từng chi tiết trang trí, điêu khắc.
Người thợ mộc cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn |
Bên cạnh đó, nhiều hộ làm nghề ở làng Giã Trung đã đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để tập trung sản xuất, từ đó đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất lao động và độ tinh xảo của sản phẩm. Từ sản xuất các loại đồ gỗ dân dụng, giá bình dân, làng nghề Giã Trung đã chuyển sang sản xuất đồ gỗ cao cấp và gia công cho các xưởng gỗ ở Đồng Kỵ.
Nghề mộc ở Giã Trung đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân nơi đây.
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được chạm trổ tinh tế, cầu kỳ đến từng chi tiết |
Nốt trầm của nghề
Sự phát triển nhanh chóng của nghề mộc tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung kéo dài đến năm 2019 thì bắt đầu chững lại. Làng Giã Trung dần thưa thớt tiếng cưa, đục, bào, tiếng máy xẻ gỗ. Giờ đây, không còn cảnh tấp nập những đoàn xe chở gỗ nối đuôi nhau ra vào làng. Nhiều xưởng gỗ đã đóng cửa, không còn đi vào hoạt động trong suốt một thời gian dài.
Hiện tại, nhiều xưởng sản xuất cũng chỉ có 2-3 lao động, chủ yếu là tận dụng nhân lực trong gia đình |
“Dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ làm nghề. Hiện giờ, những hộ có nhiều vốn thì vẫn thuê nhân công để làm, những hộ có ít vốn chỉ có 2 vợ chồng làm để duy trì hoạt động sản xuất. Nhiều xưởng tạm nghỉ, người lao động đi làm công nhân, mong chờ tới ngày nghề trở lại thời hoàng kim để tiếp tục gắn bó với nghề”, ông Dương Minh Hiến cho biết.
Đồng quan điểm với ông Hiến, ông Dương Văn Huyên (54 tuổi, làng Giã Trung) ngậm ngùi chia sẻ: “Từ cuối năm 2019 đến nay, đã có nhiều hộ trong làng nghề tạm dừng hoạt động. Tại mỗi xưởng sản xuất, trung bình cũng chỉ có 2-3 lao động, chủ yếu là tận dụng nhân lực trong gia đình, còn những thợ, lao động bị mất việc phải đi tìm công việc mới trong các công ty, nhà máy, doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ cũng là một lí do khiến tình hình sản xuất kinh doanh tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung trở nên ảm đạm. “Hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng đầu ra hạn chế, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lượng khách mua hàng cũng ngày một ít đi”, ông Huyên chia sẻ.
Tiếng máy cưa gỗ từng có thời vang vọng khắp làng Giã Trung đang dần thưa thớt |
Nếu như trước kia, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung luôn tất bật, nhộn nhịp với gần 200 xưởng mộc thì hiện tại chỉ còn khoảng 40 xưởng còn hoạt động. Trong số đó, xưởng sản xuất của anh Dương Văn Thu (41 tuổi, làng Giã Trung) là cơ sở hoạt động với quy mô lớn nhất với khoảng 10 lao động. Anh Thu cho biết, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn kể từ năm 2019, thời điểm hiện tại mới chỉ đang trên đà phục hồi và vẫn còn gặp rất nhiều thách thức.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Tâm - Chủ tịch UBND phường Tiên Phong khẳng định, nhiều hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. UBND phường Tiên Phong sẽ vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, phát triển làng nghề. “Về giải pháp, thứ nhất là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều quá, cần phải tìm thêm những thị trường mới. Mặt khác, các sản phẩm mới chỉ là làm mộc, cần phải có sự đầu tư về kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có thể bán ra thị trường được ngay. Bên cạnh đó, nhiều hộ gặp khó khăn về nguồn vốn, người dân mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong cho biết. |