Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung và sửa đổi như thế nào? Lợi dụng quy định lỏng lẻo, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp gia tăng |
4 nhóm chế độ trọng tâm
Năm 2006, khi vấn đề về việc làm trong nền kinh tế được quan tâm đặc biệt như là hệ quả của quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, bao gồm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp - chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TTXVN |
Năm 2015, trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các nước trên thế giới, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, cải tiến quy trình tổ chức thực hiện. Điều này nhằm kỳ vọng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ về kinh tế cho người lao động thất nghiệp mà còn giúp người lao động sớm tìm được việc làm, duy trì việc làm đã có để hạn chế “tái” thất nghiệp trong tương lai.
Từ đó đến nay, bảo hiểm thất nghiệp chính thức được duy trì và phát triển với bốn chế độ, bao gồm ba chế độ như trước đây là: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề và chế độ mới là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Cục Việc làm - đơn vị trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp - đang đồng hành cùng hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm của 63 tỉnh, thành phố để triển khai các hoạt động chuyên môn về bảo hiểm thất nghiệp. Thông qua tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức này duy trì sự kết nối và phối hợp chặt chẽ của bảo hiểm thất nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, bảo đảm sự phát huy đầy đủ vai trò và hiệu quả của bảo hiểm thất nghiệp đối với thị trường lao động nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.
Sau hơn 10 năm thực hiện, nhất là sau khi được thực hiện theo Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cũng kịp thời trợ giúp người lao động bảo đảm cuộc sống; đóng vai trò “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế; giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi không phải cấp kinh phí hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người, chiếm trên 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt kế hoạch đề ra). Ngoài ra, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt 983.810 người, tăng 22,68% so với năm 2021; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 975.333 người, tăng 27.55% so với năm 2021. Ngoài ra, tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.225.758 lượt người, tăng 24,37% so với năm 2021; số người được hỗ trợ học nghề là 21.825 người, tăng 18,82% so với năm 2021.
Sửa Luật Việc làm, tăng tính hấp dẫn cho chính sách
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt. Vì vậy, nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, Bộ này đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến nhóm người có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã hưởng lương; Chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cũng được đề xuất bổ sung theo hướng tăng tính hiệu quả.
Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm. Đồng thời, sửa đổi Luật Việc làm nhằm tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoảng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý.
Như vậy, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm cũng chính là cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng vào cuộc sống, theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đề ra các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tập trung: “Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động”; “Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động”. “Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
Theo đề xuất, Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách, cụ thể:
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Mục tiêu là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Mục tiêu là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.
Dự kiến, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Sau đó, trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực từ 1/1/2026. |