Tăng liên kết, giảm thiểu đứt gãy trong chuỗi cung ứng cho ngành gỗ
Khắc phục điểm yếu liên kết
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho đến nay các liên kết trong ngành gỗ, và giữa ngành và các ngành liên quan vẫn còn rất thiếu và yếu. Khi đại dịch xảy ra đã cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam rất mong manh. Chính vì thế việc hình thành các chuỗi cung hoàn chỉnh tại Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu sự đứt gãy trong các chuỗi cung này, giúp tăng cường sức chống chịu của ngành với các biến động của thị trường và bệnh dịch.
Tất nhiên để làm được thì với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, các Hiệp hội cần nỗ lực hơn trong việc hiểu rõ các thành viên của mình, từ đó xác định được các thuận lợi và đặc biệt các khó khăn trong việc hình thành các kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành hiện này. Nguồn thông tin này sẽ giúp các Hiệp hội đưa ra những kiến nghị và chính sách phù hợp cho các cơ quan quản lý, nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển liên kết.
Chủ động nguồn cung, tăng liên kết giúp ngành gỗ giảm thiểu rủi ro |
VIFOREST cũng chỉ ra rằng, các liên kết này sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp nội địa. Liên kết với các doanh nghiệp FDI giúp các doanh nghiệp nội địa hiểu rõ hơn về các dòng sản phẩm và thị trường xuất khẩu ở quy mô toàn cầu, và xu hướng thay đổi các sản phẩm và thị trường này trong tương lai. Kết nối với các doanh nghiệp FDI cũng sẽ tạo cơ hội trong việc trao đổi thông tin về quản trị doanh nghiệp, công nghệ và thị trường, tạo ra các kiến nghị về chính sách sát thực tế hơn.
Việc hình thành chuỗi cung hoàn chỉnh tại Việt Nam đòi hỏi các cơ chế, chính sách của nhà nước ưu tiên về phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đến nay, ngành gỗ Việt Nam thiếu ngành công nghiệp phụ trợ và điều này không những làm nghành lệ thuộc vào nguồn phụ trợ nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc mà còn gây rủi ro cho ngành khi có biến động thị trường và/bệnh dịch.
Đánh giá về các hạn chế này, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST - cho biết: Thực tế thì một số doanh nghiệp hiện vẫn sản xuất được tuy nhiên họ thiếu nguyên vật liệu, thiếu nhà thầu phụ...; không có sơn, không có keo, không có vani... nên đành phải bó tay.
Theo ông Lập, Chính phủ cần nắm bắt thông tin từ các Hiệp hội gỗ về các ngành phụ trợ nào có liên quan trực tiếp tới ngành gỗ cần nằm trong chiến lược ưu tiên phát triển, từ đó ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, nhằm phát triển các ngành này trong thời gian sớm nhất. Hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm sự lệ thuộc của ngành vào bên ngoài, và giảm thiểu được các đứt gãy trong chuỗi cung.
Kỳ vọng lớn vào EVFTA
Cùng với việc liên kết để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang trông chờ vào việc Quốc hội “bấm nút” thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) vào ngày 28/5 tới. Bởi lẽ khi EVFTA thực thi, ngoài việc giảm thuế suất về 0% thì các các điều kiện về môi trường, chính sách nhà nước sẽ phải thay đổi theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, năng lực quản trị của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao để đáp ứng vấn đề này.
Một vấn đề khác quan trọng nữa khi EVFTA được thực thi là về mặt nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất gỗ sẽ tiếp cận được với nguồn nguyên vật liệu giá rẻ, chất lượng, từ đó sẽ không còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) nhận định: Việt Nam đã mất nhiều năm mới đàm phán được kết quả cho Hiệp định này như hiện tại nên chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua. Cũng theo ông Phương thì với những gì mà hiệp định này mang lại sẽ tác động tích cực đến lộ trình phát triển bền vững của ngành gỗ trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù mức tăng trưởng chỉ ở một con số nhưng đây vẫn là nỗ lực lớn của ngành trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thị trường suy giảm như hiện nay. |