500 sản phẩm OCOP của 15 tỉnh, thành tham gia phiên chợ hợp tác xã Đà Nẵng Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP |
Phần lớn hợp tác xã yếu khâu quảng bá, thương mại hóa sản phẩm
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã. Tuy nhiên, ngoài một số ít hợp tác xã lớn có thương hiệu tìm được hướng đi ổn định cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu thì phần lớn các hợp tác xã còn lúng túng trong giải quyết đầu ra, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP hợp tác xã còn gặp khó trong khâu thương mại hóa sản phẩm |
Thành phố Đà Nẵng hiện có 64 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 hợp tác xã là chủ thể sở hữu của 10 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao. Tuy nhiên, sản lượng cung ứng cho thị trường Đà Nẵng chỉ chiếm dưới 10% so quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, ngoại trừ một vài hợp tác xã thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thì phần nhiều các doanh nghiệp còn bị động trong tìm kiếm xu hướng để sản xuất sản phẩm phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường.
Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 200 hợp tác xã sản xuất hàng hóa và thực hiện liên kết chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Bá Châu – Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Nghệ An cho biết toàn tỉnh hiện có 405 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong thời gian qua, từ sự hỗ trợ của các sở ngành, nhiều sản phẩm OCOP của hợp tác xã đã khẳng định được chỗ đứng ở thị trường nội địa như sản phẩm Giò Bê, Cam Vinh, Tương Nam Đàn, nước mắm, Tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ… Một số sản phẩm chế biến từ dứa, dừng, chanh leo, sen… đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh… Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của hợp tác xã nói chung, sản phẩm OCOP của hợp tác xã nói riêng còn gặp nhiều khó khăn như chưa tổ chức được các chương trình hội chợ, kết nối hợp tác xã quy mô lớn; hệ thống liên minh các hợp tác xã các tỉnh thành chưa thực sự gắn kết…
Theo đại diện Liên minh hợp tác thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã còn bị động, thiếu thông tin thị trường; khả năng tiếp cận nguồn cung cầu, đòi hỏi về chất lượng và quy trình sản xuất, cạnh tranh không cân xứng với các sản phẩm của doanh nghiệp, và thiếu quyền lực đàm phán trong quá trình kết nối cung cầu đều gây khó khăn cho các hợp tác xã.
Bà H Yiam Mlo – Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối cung cầu để hỗ trợ các hợp tác xã có đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm hợp tác xã nói chung |
Cần tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP hợp tác xã
Ông Bùi Dũng – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (TP. Đà Nẵng) cho biết từ sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã Đà Nẵng cùng một số sở, ngành thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác xã rau Túy Loan và các hợp tác xã nói chung đã tìm kiếm, ký kết hợp tác với nhiều đối tác, không chỉ trong thành phố Đà Nẵng mà còn liên kết, hợp tác kết nối được với nhiều đơn vị phân phối lớn như Winmart, Lotte, Coopmart, …ở nhiều tỉnh thành như Quảng Binh, Bình Định, Gia Lai… Nhờ đó, các hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, đặc biệt là hỗ trợ cho các hợp tác xã thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Dũng, các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả rất lớn để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP của hợp tác xã. “Tuy nhiên, kinh phí hoạt động cho các chương trình này của hợp tác xã thường hạn chế, vì vậy, các hợp tác xã mong muốn sẽ có sự hỗ trợ từ phía các Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã các địa phương để có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại”, ông Dũng bày tỏ.
Bà H Yiam Mlo – Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu (tỉnh Đắk Lắk) cho biết hiện hợp tác xã có 2 sản phẩm cà phê và hạt mác ca được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, và đang làm hồ sơ hoàn thiện lên sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn là vấn đề khó khăn nhất. “Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn các chương trình hợp tác, kết nối giao thương để hợp tác xã có thể tìm kiếm thêm đối tác, quảng bá và giới thiệu sản phẩm”, bà H Yiam Mlo nói.
Cần tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của hợp tác xã |
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Nghệ An cho biết trong năm 2023, Liên minh hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. “Tỉnh Nghệ An luôn dành nguồn kinh phí cho các hợp tác xã trong thực hiện tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại tại tỉnh và đi xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành khác trong cả nước”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Nghệ An cho hay và thông tin thêm, trong năm 2023, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã tổ chức 2 đợt cho các hợp tác xã đi xúc tiến thương mại ngoại tỉnh và đến cuối năm 2023 còn 5 – 6 đợt khác. “Thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại ở các địa phương chúng tôi kỳ vọng sẽ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền của Nghệ An sẽ đến được với đông đảo người tiêu dùng; các hợp tác xã sẽ có những biên bản ghi nhớ hợp tác để có đầu ra cho sản phẩm tốt hơn", ông Nguyễn Bá Châu nói.
Để hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại các hợp tác xã trong cả nước hiệu quả hơn, ông Phạm Công Chính – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Đà Nẵng đề xuất liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố cần thường xuyên thông tin, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối cung cầu giữa các địa phương; giới thiệu, kết nối sản phẩm hàng hóa của các hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố….