Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới |
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nắm bắt thông tin dự báo, định hướng xuất khẩu, nhận dạng các khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội để đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng ổn định, bền vững trong trạng thái bình thường mới, sáng 8/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề “vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên”.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Sự phục hồi kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đại biểu tham dự Diễn đàn xuất khẩu năm 2022 |
Riêng TP. Hồ Chí Minh ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh xuất qua cảng của Thành phố bao gồm cả dầu thô, trong 11 tháng năm 2022 đạt 44,16 tỷ USD, tawmg 10,78% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… vẫn là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Tại Diễn đàn các diễn giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức xúc tiến trong nước và quốc tế cung như cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận, phân tích, chia sẻ thông tin nhận diện các cơ hội cùng với khó khăn, thách thức, định hướng lại thị trường xuất khẩu, tận dụng các “vận hội” mới và các Hiệp định thương mai tự do song phương và đa phương mang lại, từ đó tìm kiếm các cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế trong nước trong bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động như hiện nay.
Đại biểu tham quan gian hàng triển lãm bên lề Diễn đàn |
Theo đó, tại Diễn đàn ông Alex Tatsis - Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh mới” hay “Tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ tăng cường xuất khẩu” từ ông Đặng Thái Thiện - Phó Phòng Giám sát Quản lý Cục Hải Quan TP. Hồ Chí Minh…
Mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự, tình hình kiếm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhưng đây là thời cơ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn cho rằng đây cũng là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế mang lại từ: Lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.... Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình.