Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 600 tỷ USD Xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA |
Sáng 30/11, tại tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới”, do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức, nhằm đánh giá tình hình, thông tin thị trường xuất khẩu khu vực EVFTA và CPTPP. Đồng thời, bàn các giải pháp, định hướng tổ chức sản xuất hàng hoá đáp ứng đúng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tốt các lợi thế và các cơ hội của bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam bền vững các khu vực thị trường này thời gian tới.
Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới”, diễn ra sáng 30/11 tại tỉnh Tiền Giang |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định: Hai Hiệp định EVFTA và CPTPP đã mở ra cơ phát triển hàng hóa Việt Nam, bởi quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong khu vực EU và CPTPP tương đối lớn. Từ đó, tạo ra nhiều thuận lợi giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và có nhiều lựa chọn phù hợp với lợi thế của chính mình. Nhưng cơ hội cũng song hành cùng với thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, xung đột địa chính trị hay mới đây nhất là xu hướng lạm phát tại nhiều quốc gia, trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.
Do đó, việc tổ chức hội thảo được tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp các tỉnh thành phố vùng đồng băng sông Cửu Long hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu là rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, thông tin thị trường xuất khẩu khu vực EVFTA và CPTPP. Đồng thời bàn các giải pháp, định hướng tổ chức sản xuất hàng hoá đáp ứng đúng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA, CPTPP và các cơ hội của bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam bền vững các khu vực thị trường này thời gian tới.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phát biểu khai mạc hội thảo |
Đồng thời, để các cơ quan quản lý nhà nước phổ biến, tuyên truyền, làm rõ hơn các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu hàng hoá sang các khu vực thị trường trên, dựa trên cơ sở các cam kết, ưu đãi thuế quan từ hai Hiệp định EVFTA và CPTPP. Qua đó, góp phần hỗ trợ các địa phương nói chung và vùng đồng băng sông Cửu Long nói riêng về nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường và tận dụng được lợi thế từ các FTA.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tư do (FTA), trở thành quốc gia duy nhất đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh hay Nga. Nổi bật nhất trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế rất lớn, thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hoá phát triển, mang sản phẩm Việt Nam, thương hiệu từ Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Chỉ sau vài năm Hiệp định có hiệu lực, thực tiễn đã chứng minh hai khu vực thị trường CPTPP và EVFTA sở hữu dư địa lớn với rất nhiều tiềm năng khi liên tục gia tăng nhập khẩu hàng hoá đến từ Việt Nam.
Đại diện các Cục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo các Sở Công Thương, Nông nghiệp, Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các tỉnh thành phố vùng Đồng băng sông Cửu Long tham dự hội thảo. |
Đối với khu vực CPTPP, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các nước đối tác thuộc châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam như Canada, Peru, Mexico cũng có kim ngạch tăng trưởng rất mạnh mẽ. Đối với khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta - EU, trong 2 năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khu vực thị trường này đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD một năm và so với mức trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2019 (33,5 tỷ USD) đã cao hơn 24%.
Đánh giá về tác động của các Hiệp định thương mại đối với xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang, ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang- cho biết: Trong thời gian qua, việc thực thi các FTA trên địa bàn đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ông Đặng Văn Tuấn dẫn chứng, Hiệp định EVFTA hiệu lực từ tháng 8/2020 đã phát huy hiệu quả tích cực nhất. Trong năm 2021, C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu EUR.1 đã cấp 6.279 bộ với kim ngạch 268,2 triệu USD (tăng gần 4 lần so với năm 2020); 11 tháng đầu năm 2022 là 8.087 bộ với kim ngạch 351,3 triệu USD, chỉ 11 tháng mà đã tăng hơn so cả năm 2021 là 28,8% về số lượng C/O và 31% về kim ngạch (tương đương tăng 83,1 triệu USD).
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định này được tỉnh thực hiện khá tốt: kim ngạch năm 2021 tăng 1,8 lần so năm 2020 và 11 tháng năm 2022 tăng 112,2% (tức tăng gấp hơn 2 lần) so cả năm 2021. Cụ thể năm 2020 chỉ 22,1 triệu USD, sang năm 2021 tăng lên 40,5 triệu USD và chỉ 11 tháng năm 2022 đạt 85,9 triệu USD.
Việc tham gia và thực hiện các FTA nói chung, 2 FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA nói riêng trong thời gian qua đã tạo lợi thế cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. “Tuy nhiên, do những biến động kinh tế, chính trị và việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại làm cho tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các ngành xuất khẩu của tỉnh, nhất là may mặc, thủy sản, thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU trong quý 4/2022 và thời gian tới sẽ không cao” - Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang dự báo.