Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Đề xuất không quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Trồng lúa xanh bán tín chỉ carbon, vì sao Đắk Lắk muốn tham gia? |
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học với chủ đề “Nước với cuộc sống và con người Tây Nguyên”, do UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổng hội Địa chất Việt Nam cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 12/1.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tại khu vực Tây Nguyên, theo thống kê nguồn tài nguyên nước khoáng, nước nóng khá phong phú về số lượng, đa dạng về loại, nhiệt độ, thành phần hóa học, độ khoáng hóa, có một số nguyên tố vi lượng có tác dụng trong giải khát, ngâm tắm và du lịch nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo |
Cụ thể, theo TS. Ngô Tuấn Tú, Phó chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, toàn vùng Tây nguyên hiện có 26 nguồn nước khoáng, nước nóng, tập trung nhiều nhất ở Kon Tum 14 nguồn, Lâm Đồng 7, Gia Lai 4 và Đắk Nông 1. “Nước khoáng, nước nóng ở Tây Nguyên có chất lượng hầu hết đảm bảo cho các mục đích sử dụng ngâm tắm, nghỉ dưỡng và một số nguồn có thể đóng chai, chữa bệnh và khai thác địa nhiệt”- TS. Ngô Tuấn Tú cho biết.
Đáng chú ý, 26/26 nguồn đều có thể khai thác sử dụng cho mục đích ngâm tắm, nghỉ dưỡng; có 7 nguồn kết hợp với đóng chai; 2 nguồn kết hợp chữa bệnh; 3 nguồn kết hợp khai thác địa nhiệt (nhờ có nhiệt độ trên >60 độ C) và 1 nguồn kết hợp khai thác khí CO2. Trong số này có nguồn Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thăm dò và kết quả đã được hội đồng xét duyệt trữ lượng khai thác. Bên cạnh đó, có 4 nguồn ở Lâm Đồng được Sở Khoa học và Công nghệ điều tra đánh giá trữ lượng và chất lượng. Số nguồn nước khoáng, nước nóng còn lại chỉ mới điều tra ở mức độ cơ bản đủ điều kiện để xác định tài nguyên dự tính cấp C2, nên việc đầu tư khai thác sử dụng còn rất hạn chế, chưa đúng với tiềm năng của chúng.
Đẩy mạnh khai thác để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương
Thực tế tại các quốc gia trên thế giới việc khai thác tiềm năng nước khoáng, nước nóng đã có lịch sử từ lâu đời. Trong đó, ở châu Á, suối khoáng nóng cũng rất được mọi người ưa chuộng, phát triển thành nét văn hóa như văn hóa tắm Onsen Nhật Bản, làng trị liệu Hàn Quốc…
Riêng với Việt Nam đã có khoảng 122 cơ sở đầu tư kinh doanh khai thác từ 65 nguồn nước khoáng nước nóng. Trong số này 74 cơ sở đầu tư phục vụ nhu cầu ngâm tắm, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, 46 cơ sở khai thác phục vụ đóng chai uống giải khát, với khoảng 1,1 triệu lít/năm, 2 cơ sở đầu tư phục vụ ngâm tắm chữa bệnh. Dù vậy cơ sở vật chất cho việc điều tra, khai thác nước khoáng còn quá nghèo nàn lạc hậu, các phương pháp tìm kiếm thăm dò còn chưa ổn định…
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác nguồn tài nguyên nước khoáng, nước nóng, đại diện đơn vị khai thác nguồn nước khoáng nóng Đắk Mil - PGS.TS Nguyễn Viết Lượng cho biết, đây là mỏ nước khoáng núi lửa rất hiếm nhờ chứa hơn 10 loại khoáng chất quý, hàm lượng cao và đặc biệt ngậm CO2 tự nhiên có trữ lượng lớn. Từ năm 2020, Công ty Cổ phần khoáng sản Đắk Lắk bắt đầu quá trình khảo sát, xét nghiệm thành phần của mỏ nước khoáng này để đưa vào khai thác bài bản và khoa học.
Kết quả phân tích từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước chỉ ra những tác dụng tuyệt vời của loại nước khoảng nơi đây trong việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh đặc biệt là da liễu và xương khớp, răng miệng…
Chính vì thế, theo các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo, việc khai thác tốt nguồn tài nguyên này một cách đa dạng và kết hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.