Sự chuyển mình ấn tượng của ngành công nghiệp văn hóa

Ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam đang chuyển mình ấn tượng, từng bước xây nền móng vững chắc, trở thành sức mạnh mềm trong cả kinh tế và xã hội.
Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn Hiện tượng concert ‘Anh trai say hi’ và triển vọng ngành công nghiệp văn hoá trong kỷ nguyên mới Công nghiệp văn hoá có bước tiến mới trong năm 2024

Thời gian qua, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần định hình một hình ảnh đất nước hiện đại, sáng tạo và đa dạng trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để tạo sức hút, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư quốc tế. Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Công nghiệp văn hoá đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Công nghiệp văn hoá đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: TTXVN

Công nghiệp văn hóa đang vươn lên thành một lĩnh vực kinh tế chiến lược

- Trong dòng chảy phát triển của nền kinh tế đất nước, văn hoá cũng như ngành công nghiệp văn hoá đã được Đảng và Nhà nước khẳng định vị trí và tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đảng và Nhà nước đã nhận thức rất rõ vai trò trung tâm của văn hóa trong dòng chảy phát triển của nền kinh tế đất nước. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong các văn kiện của Đảng văn hóa đã được khẳng định là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Sự nhấn mạnh này không chỉ thể hiện trong các nghị quyết, mà còn được cụ thể hóa bằng các chiến lược và chính sách phát triển văn hóa xuyên suốt, trong đó có việc đưa công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Nhà nước đã đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với tỷ trọng đóng góp đáng kể vào GDP, đồng thời thúc đẩy các giá trị văn hóa Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Như vậy, Đảng và Nhà nước không chỉ coi văn hóa là một phần không thể tách rời trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, mà còn xem đó là hệ điều tiết của sự phát triển kinh tế - xã hội, nơi lưu giữ bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng sức sáng tạo và thúc đẩy sự đoàn kết, tinh thần yêu nước.

Đơn cử các chính sách gần đây, như việc đầu tư vào hạ tầng văn hóa, tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, và quảng bá di sản văn hóa, hay dài hơi hơn như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa vừa mới được Quốc hội thông qua năm 2024, đã chứng minh sự quyết tâm trong việc đặt văn hóa ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

- Thời gian qua, ngành công nghiệp văn hóa đang nổi lên như một lĩnh vực kinh tế chiến lược, mang lại nguồn thu khổng lồ và tạo cơ hội lan tỏa giá trị dân tộc ra thế giới qua các chương trình nghệ thuật có sức hút. Ông chia sẻ gì về sự chuyển mình này của ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Sự chuyển mình của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian qua là một tín hiệu rất đáng mừng và cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực từ các nghệ sĩ, doanh nghiệp và cộng đồng. Tôi nhận thấy, ngành công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở việc tạo ra giá trị nghệ thuật mà còn đang vươn lên trở thành một lĩnh vực kinh tế chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Những chương trình nghệ thuật, lễ hội văn hóa và sản phẩm sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, thời trang hay mỹ thuật đã chứng minh khả năng kết nối sâu sắc với công chúng trong nước và quốc tế. Những thành công này không chỉ mang lại nguồn thu khổng lồ mà còn là cầu nối để quảng bá bản sắc dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Điển hình là sự phát triển của điện ảnh với những bộ phim doanh thu trăm tỷ của Trấn Thành hay Lý Hải, các buổi concert âm nhạc "Anh trai say hi" hay "Anh trai vượt ngàn chông gai", lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Gió Mùa, các liên hoan phim quốc gia, quốc tế ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, hay những tuần lễ thiết kế sáng tạo, thời trang quốc tế, ẩm thực quốc tế,… tại Việt Nam đã tạo tiếng vang mạnh mẽ, giúp khẳng định vị trí của Việt Nam trong bản đồ công nghiệp văn hóa toàn cầu.

Có thể thấy rằng, sự chuyển mình này không đến một cách tự nhiên, mà là kết quả của quá trình đầu tư bài bản từ hạ tầng đến nguồn nhân lực. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ, từ việc tạo điều kiện pháp lý, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, đến thúc đẩy hợp tác quốc tế, và phát triển hệ sinh thái sáng tạo. Đồng thời, các nghệ sĩ, nhà sản xuất, và doanh nghiệp cũng đang dần thích nghi với những xu hướng mới, ứng dụng công nghệ và khai thác những giá trị độc đáo của văn hóa Việt.

Sự chuyển mình của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không chỉ là một hiện tượng mà còn là một xu hướng tất yếu, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập sâu rộng vào thế giới.

Xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

- Thực tế, dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng Việt Nam vẫn chưa thể khai thác hết “mỏ vàng” của ngành công nghiệp văn hoá. Từ góc độ chuyên gia văn hoá, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, đồng thời đâu là điểm nghẽn khiến cho ngành công nghiệp văn hoá chưa phát huy hết thế mạnh?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việt Nam thực sự đang sở hữu một “mỏ vàng” công nghiệp văn hóa với tiềm năng phát triển to lớn. Với bề dày lịch sử, sự đa dạng về văn hóa, và bản sắc dân tộc phong phú, chúng ta có nhiều điều kiện để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, việc khai thác “mỏ vàng” này vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa thể phát huy hết thế mạnh vốn có.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất theo tôi đó là việc thiếu chiến lược dài hạn và sự đầu tư đồng bộ. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy, nhưng quá trình triển khai vẫn còn manh mún, chưa thực sự tập trung vào việc xây dựng các ngành mũi nhọn hay phát triển chuỗi giá trị văn hóa.

Chúng ta cũng chưa có một luật riêng về công nghiệp văn hóa, trong khi các luật chuyên ngành như điện ảnh, di sản văn hóa, quảng cáo,… chưa bao quát hết được tính đặc thù của công nghiệp văn hóa, còn các luật có liên quan như thuế, đất đai, đối tác công – tư,… cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Một vấn đề nữa là nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Sự thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng nhân sự trong các lĩnh vực như quản lý văn hóa, sản xuất nghệ thuật, hay marketing sáng tạo đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, yếu tố hạ tầng là một rào cản không nhỏ. Mặc dù có nhiều không gian văn hóa, trung tâm nghệ thuật, nhưng phần lớn vẫn còn thiếu tiện nghi hoặc chưa đạt chuẩn quốc tế. Để tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế đang là một thách thức đối với nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Black Pink chỉ tổ chức được duy nhất ở Hà Nội là một ví dụ như vậy. Điều này làm hạn chế khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn và thu hút sự quan tâm từ khán giả trong và ngoài nước.

Đồng thời, sự chưa đồng bộ trong việc áp dụng công nghệ số và chuyển đổi số vào ngành công nghiệp văn hóa. Khi các quốc gia khác đang tận dụng mạnh mẽ các nền tảng kỹ thuật số để quảng bá và kinh doanh văn hóa, chúng ta vẫn còn chậm trễ trong việc chuyển đổi này, khiến khả năng tiếp cận thị trường quốc tế bị hạn chế.

- Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Để thực hiện thắng lợi này, cũng như để công nghiệp văn hoá bước vào kỷ nguyên mới với những thắng lợi mới, phát huy được sức mạnh mềm của dân tộc, ông có thể nêu một số giải pháp?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ rằng mục tiêu đưa các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 là một bước đi chiến lược, khẳng định tầm nhìn dài hạn và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp cụ thể.

Trước hết, chúng ta cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí, và thời trang. Những lĩnh vực này không chỉ gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có khả năng tạo giá trị gia tăng cao, thu hút sự quan tâm của cả thị trường trong nước và quốc tế. Việc đầu tư trọng tâm vào các ngành này sẽ tạo đòn bẩy để các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển theo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước. Điều này bao gồm việc cải thiện khung pháp lý, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng văn hóa và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp phát triển đội ngũ chuyên gia, nghệ sĩ, và nhà quản lý văn hóa có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Ngoài ra, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thị trường toàn cầu. Theo đó, việc xây dựng các nền tảng số để phân phối sản phẩm văn hóa, phát triển thị trường trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng phạm vi tiếp cận. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác quốc tế cũng là một giải pháp quan trọng để học hỏi kinh nghiệm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Một giải pháp khác không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của văn hóa và sức mạnh mềm của dân tộc, giúp hình thành thói quen tiêu dùng văn hóa, nghệ thuật trong xã hội, từ đó tạo động lực phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp văn hóa. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục về văn hóa cần được đẩy mạnh, đặc biệt là trong giới trẻ - lực lượng chính thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo văn hóa.

Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, văn hóa không chỉ là giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực kinh tế, là “sức mạnh mềm” để định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Hoa Quỳnh (thực hiện)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp văn hoá