Đà Nẵng: Đảm bảo hạ tầng, tạo cơ chế đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện Phát triển xe điện ở Việt Nam: Giải bài toán nguồn điện |
Thay đổi cấp thiết để tiến đến Net Zero vào năm 2050
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Cam kết này là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Cần chuẩn hóa trạm sạc điện cho người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh tại các đô thị. Ảnh minh họa |
Để hiện thực hóa cam kết này, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, trong đó có việc thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, hướng đến đầu tư và sử dụng công nghệ xanh trong mọi lĩnh vực. Trong đó xu hướng phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự bền vững. Việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng từng bước góp phần hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang thải ra khoảng 38,5 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó nguồn phát thải từ lĩnh vực giao thông chiếm đến 45%, do đó việc xanh hóa hệ thống phương tiện giao thông được xem là một nhiệm vụ quan trọng.
Nhận định về vấn đề này, bà Trần Minh Ái - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Việt Nam cho rằng, trên thực tế việc chuyển đổi từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện điện là xu hướng chung trên toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam là quốc gia đi sau song tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
Tuy nhiên, so với tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu, nhóm người dân sử dụng các phương tiện xanh còn rất thấp. Theo thống kê tại các dự án do Savills quản lý, hiện tại các phương tiện sử dụng điện chỉ chiếm khoảng 2-3%/dự án và đa số là xe máy điện và xe đạp điện, còn xe hơi chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Trong bối cảnh đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xe gắn máy, ô tô đã cho ra mắt các sản phẩm thân thiện với môi trường chạy bằng nhiên liệu điện và nhận được sự đón nhận của người dân, từng bước xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cư dân sinh sống trong các khu chung cư tại đô thị lớn là thiếu trạm sạc chuyên dụng.
Nhu cầu trạm sạc chuyên dụng ngày càng lớn
Theo ghi nhận, dù tỷ lệ sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu xanh còn rất thấp song nhu cầu về trạm sạc tại các khu dân cư đang tăng dần. Ban đầu, tại nhiều dự án chung cư vẫn có tình trạng những người sử dụng xe đạp hay xe máy điện mang cục sạc lên căn hộ để tự sạc điện.
Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cùng VinFast phối hợp thực hiện hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo phục vụ khách hàng với chất lượng tốt nhất |
Để hạn chế những tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về cháy nổ khi mang cục sạc trong căn hộ cũng như trong thang máy, trong khoảng 2 năm gần đây, nhiều chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án, trong đó có Savills bắt đầu bố trí một địa điểm sạc tập trung đối với các loại xe đạp điện, xe máy điện nhằm thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội và hỗ trợ người dân trong việc sử dụng các phương tiện xanh.
Bà Trần Minh Ái cho biết, thời gian qua, Savills đã thực hiện 2 giải pháp để đáp ứng nhu cầu sạc phương tiện sử dụng điện tại các dự án: Đó là tìm hiểu và hợp tác với các đơn vị cung cấp về trạm sạc trên thị trường và tự tổ chức bố trí thêm điểm sạc trong các dự án. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và đòi hỏi một hệ thống quản lý về việc tự ngắt khi sạc đầy hay tính tiền sạc để đảm bảo tất cả người dân có sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện có thể sử dụng luân phiên.
Liên quan đến hạ tầng cung cấp điện cho các trạm sạc tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, vừa có buổi làm việc với đại diện VinFast về hạ tầng cung cấp điện và tiến độ xây dựng các trạm sạc xe điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, EVNHCMC đề nghị VinFast thông tin về các kế hoạch lắp đặt trạm sạc, công suất thiết kế, địa điểm lắp đặt và phương án đấu nối vào lưới điện để EVNHCMC có sự chuẩn bị và hỗ trợ tốt nhất (chuẩn bị nguồn điện, hướng dẫn thủ tục xây dựng trạm biến áp và đấu nối, ký kết đồng mua bán điện…).
Theo ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hệ thống Trạm sạc của VinFast, đơn vị đang triển khai dự án trạm sạc ô tô điện và xe máy điện tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, với mục tiêu xây dựng khoảng 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc tại các địa điểm như: chung cư, bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, xa lộ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu… Các trạm sạc có các loại sạc thường 11kW, sạc nhanh 30kW và 60kW, sạc siêu nhanh 250kW và sạc xe máy điện 1,2kW. Tại TP. Hồ Chí Minh, VinFast sẽ triển khai xây dựng 65 trạm sạc và dự kiến sẽ phát triển thêm trong thời gian tới.
Nhiều DN, đơn vị cho biết, trong quá trình xây dựng trạm sạc đã nhận được một số hướng dẫn của cơ quan chức năng về việc đảm bảo an toàn PCCC cho các địa điểm tổ chức sạc. Tuy nhiên, theo Savills vẫn thiếu một hướng dẫn cụ thể về các bước thiết lập và tiêu chuẩn xây dựng của một trạm sạc… tại các khu cư dân. Do đó, Savills hy vọng trong thời gian tới sẽ có những quy định, hướng dẫn rõ ràng để các cư dân có một khu vực sạc an toàn và hợp pháp. Đồng thời, cũng hy vọng có sự tham gia của một đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực sạc xe điện.