Cần có ngay cơ chế mang tính đột phá phát triển điện mặt trời mái nhà Đến năm 2030, 50% nhà dân tại Đà Nẵng sử dụng điện mặt trời mái nhà |
Sôi động thị trường cung cấp giải pháp điện mặt trời áp mái
Điện năng là nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong sản xuất công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trong đó, bên cạnh việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện, giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến hướng bổ sung từ năng lượng điện tái tạo.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội |
Năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi dễ triển khai lắp đặt ngay trên máy nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.
Tại Việt Nam, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Cùng với sự cởi mở về chính sách, nhu cầu từ thị trường tăng cao khiến thị trường cung cấp giải pháp điện mặt trời áp mái cũng trở lên sôi động.
Hồi cuối tháng 6/2023, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam - thành viên Tập đoàn năng lượng châu Âu - GreenYellow đã giới thiệu về “Giải pháp điện mặt trời 0 đồng cho doanh nghiệp”.
“Đảm bảo điện để sản xuất và tiết kiệm chi phí là hai tiêu chí quan trọng nhất khi chúng tôi cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp điện mặt trời áp mái. Doanh nghiệp không tốn bất kỳ chi phí nào sau khi được Quỹ thẩm định đầu tư”, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc phát triển kinh doanh Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam - chia sẻ.
Tất nhiên, sẽ có những yêu cầu, tiêu chí nhất định trong việc lựa chọn đối tác khách hàng. Theo ông Lê Anh Tuấn, đối tượng khách hàng mà Quỹ hướng tới đó là các doanh nghiệp có diện tích mái trên 5.000m2, chi phí tiền điện khoảng trên 500 triệu đồng/tháng; cùng với đó, doanh nghiệp phải đảm bảo các giấy tờ pháp lý như phòng cháy chữa cháy và các giấy tờ khác.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Quỹ sẽ kiểm tra hệ thống để có thể gia cố nhà xưởng, thay mái và quyết định hệ số giảm giá hóa đơn tiền điện cuối cùng trong hợp đồng là bao nhiêu %.
“Toàn bộ chi phí đầu tư sẽ do Quỹ bỏ ra và chúng tôi sẽ thu hồi vốn từ hóa đơn tiền điện hàng tháng. Chúng tôi dựa trên đơn giá điện do Bộ Công Thương công bố hàng năm và giảm giá trên đó từ 15 - 20%. Chúng tôi sẽ lắp đặt song song 2 đồng hồ, đồng hồ của EVN và của Quỹ và dựa trên đó chúng sẽ tính tiền hóa đơn tiền điện”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.
Bán trực tiếp cho người dùng và thiết kế theo công suất tối ưu của các doanh nghiệp. Quỹ cũng linh hoạt các giải pháp nhằm đáp ứng tốt nhất hiệu quả của doanh nghiệp. Ông Lê Anh Tuấn dẫn chứng, các thiết kế của chúng tôi sẽ vừa đủ với nhu cầu, và phân ra theo từng giai đoạn.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp nhà máy 20.000 m2 nhưng công suất điện sử dụng chỉ 10.000 m2 thì chúng tôi cũng chỉ thiết kế công suất 10.000 m2, nếu sau này nhà máy tăng công suất sử dụng thì chúng tôi sẽ thiết kế giai đoạn 2. Bên cạnh đó, trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ phát triển hệ thống lưu trữ điện để giúp các doanh nghiệp các giải pháp phát điện ngày càng tối ưu.
Không chỉ Quỹ nước ngoài hướng đến giành thị phần trong “miếng bánh” giải pháp điện mặt trời áp mái, hiện các doanh nghiệp trong nước cũng tập trung đầu tư vào mảng này.
Các diễn giả tham gia Hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp xanh: Đồng hành và phát triển bền vững” |
Tại hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp xanh: Đồng hành và phát triển bền vững” diễn ra ngày 29/8/2023 tại Hà Nội, ông Trần Văn Nhơn - Tổng giám đốc Intech Energy - cho biết, năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái đang trở thành từ khóa hot nhất hiện nay.
Nắm bắt được xu hướng của tương lai, lĩnh vực năng lượng đã được Intech Energy chú trọng đầu tư và mang đến khách hàng 2 giải pháp hợp tác. Thứ nhất là mô hình đầu tư điện mặt trời 0 đồng. Mô hình này mang lại 3 lợi ích chính gồm: doanh nghiệp không cần bỏ vốn; doanh nghiệp được chiết khấu, giảm giá điện từ 10 - 30% so với giá điện của EVN; mang lại tín chỉ xanh cho doanh nghiệp, từ đó, nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp.
Thứ hai, đó là doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Căn cứ vào hệ thống diện tích mái và lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp, Intech Energy sẽ tư vấn thiết kế, lắp đặt thiết bị cho phù hợp nhằm đem lại lợi ích cao nhất có thể.
“Đối tượng khách hàng của chúng tôi cũng khá rõ ràng gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước. Nếu doanh nghiệp tự đầu tư thì sẽ không có quy định cụ thể nào về diện tích mái và lượng điện tiêu thụ, sử dụng. Với mô hình đầu tư điện mặt trời 0 đồng, chúng tôi sẽ hướng đến các doanh nghệp có diện tích mái khoảng 3.000 m2 và lượng điện tiêu thụ trung bình hàng tháng khoảng 200 triệu trở lên”, ông Trần Văn Nhơn trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Xanh hóa doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Nguyễn Khắc Văn - Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương Hà Nội) - nhận định, Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang có hướng mở ra trong phát triển năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, điện mặt trời áp mái được phát triển không giới hạn, đây là yếu tố rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới có thể tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng.
Sử dụng năng lượng tái tạo có rất nhiều thuận lợi. Xét về lưới điện, năng lượng tái tạo làm giảm phụ tải điện, không phải truyền tải từ nguồn phát từ xa đến từ đó nâng cao được hiệu quả đầu tư, cũng như lợi ích cho hạ tầng lưới điện, đáp ứng phụ tải tại chỗ.
Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng.
Về lợi ích dài hơi, đến việc doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.
“Với miền Bắc, với hiệu suất đầu tư năng lượng mặt trời không cao, thời gian hoàn vốn chỉ khoảng xấp xỉ 7 năm. Như vậy, chúng ta có nhiều giải pháp để cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thậm chí siêu nhỏ vẫn có thể triển khai được mô hình điện mặt trời áp mái”, ông Nguyễn Khắc Vân chia sẻ.
Hiện việc đầu tư cho chuyển đổi xanh đang ngày càng cấp bách, bởi theo ông Lê Mạnh Linh - Giám đốc Công ty LYTH, tỷ lệ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo hiện chỉ chiếm khoảng 20% các doanh nghiệp sản xuất, còn kém xa so với nhiều quốc gia trong khu vực. Vì thế, ông Lê Mạnh Linh cho rằng, vấn đề này cần phải thay đổi từ nhận thức của các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn quốc tế, giảm phát thải và chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Với việc xanh hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) - nhận định, việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là cần thiết. Đây cũng là yếu tố tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là tại thị trường khó tính.
Câu chuyển đổi xanh doanh nghiệp sẽ nhìn nhận ở góc độ chi phí hay kế hoạch đầu tư cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp mình? Theo ông Nguyễn Quang Vinh, bên cạnh việc hoàn thiện về pháp lý, hỗ trợ về thông tin, kiến thức, những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được hỗ trợ về cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, đất đai. Bởi xanh hóa sản xuất là một trong 3 nội dung quan trọng nhất của tăng trưởng xanh (gồm xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xanh hóa tiêu dùng).