Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tính từ thời điểm tháng 7/2022 đến đầu tháng 8/2022, giá xăng đã được điều chỉnh giảm 4 đợt liên tiếp với mức giảm bình quân đối với mặt hàng xăng là 7.270 đồng/lít và mặt hàng dầu diezen là 6.110 đồng/lít. Do đó nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Sở Tài chính đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.
Trường hợp điều chỉnh giảm giá, đề nghị các doanh nghiệp có văn bản đăng ký giảm giá kịp thời gửi về sở; trường hợp không điều chỉnh giảm giá, đề nghị các doanh nghiệp có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để sở làm cơ sở xem xét điều chỉnh giá trong thời gian tới.
Nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao |
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết trong cơ cấu giá thành thịt heo, xăng dầu chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Chính vì vậy, trong suốt thời gian xăng dầu tăng giá, các mặt hàng thực phẩm chế biến công ty không điều chỉnh giá.
Với mặt hàng tươi sống, doanh nghiệp xin điều chỉnh mức giá bình ổn khi giá heo hơi đang ở mức 60.000 đồng/kg, và mức điều chỉnh cũng không cao. Tuy nhiên, sau đó giá heo hơi tăng lên trên 70.000 đồng/kg, và hiện nay giảm xuống còn 64.000 – 65.000 đồng/kg thì mức giá này vẫn cao hơn giá cơ sở. Do đó, không thể điều chỉnh xuống giá bình ổn được. “Heo hơi chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành và giá đang còn cao nên xăng dầu có giảm cũng khó điều chỉnh giảm giá thịt heo”, ông Nguyễn Ngọc An nhấn mạnh.
Tương tự, với mặt hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp đã nhận được văn bản của Sở Tài chính và đang tiến hành rà soát, báo cáo Sở.
Cũng theo ông Trương Chí Thiện, trong cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm, giá xăng dầu không chiếm nhiều. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi – yếu tố chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Bên cạnh đó, hiện nay giá trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn đang thấp hơn thị trường từ 10%-15%. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. “Cách đây hai tuần giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nếu so với cùng kỳ hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 50%” - ông Trương Chí Thiện nói.
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, giá bán các chương trình bình ổn đảm bảo thấp hơn thị trường ít nhất từ 5%-10%. Cụ thể gạo thấp hơn giá thị trường 9,7%; dầu ăn thấp hơn thị trường 10,4%, thịt gia cầm thấp hơn thị trường 12%-25%, thịt heo thấp hơn thị trường 13%-29%, trứng gia cầm thấp hơn thị trường 8%.