Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU Thỏa thuận xanh châu Âu tác động gì đến hàng hóa xuất khẩu sang EU? |
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA chưa như kỳ vọng
Số liệu từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi từ các FTA. Ảnh: TTXVN |
Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có mức thặng dư thương mại lớn thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.
Còn theo thống kê số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, thương mại hai chiều Việt Nam - EU trong 9 tháng năm 2023 đạt 44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 47,1 tỷ USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,8 tỷ USD, giảm 8,2%, nhập khẩu 11,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công Thương đánh giá, sau gần 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang châu Âu tăng trưởng tích cực, tuy nhiên tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định đem lại vẫn chưa như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng gần 26%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi; các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm đa số trong tỷ trọng hàng có kim ngạch lớn xuất sang EU, như da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường EVFTA còn hạn chế. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA trong đó có EVFTA chưa được quan tâm.
Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa tận dụng thời cơ, ưu đãi của Hiệp định EVFTA được Bộ Công Thương chỉ rõ là do ảnh hưởng từ biến động của dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng, khả năng tiếp cận thị trường EVFTA của doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, giá thành cao, chất lượng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu, và nhập nguyên liệu sản xuất từ các nước không đạt tiêu chí về quy tắc xuất xứ theo quy định tại EVFTA. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chiến lược kinh doanh dài hạn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tận dụng EVFTA của Việt Nam.
Hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường FTA nói chung và EVFTA nói riêng dù được đẩy mạnh hơn nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, do nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế nên các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động này. Việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tại các địa phương còn dàn trải, không tập trung vào các ngành và lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Trước bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy việc tận dụng cơ hội từ các FTA cũng như Hiệp định EVFTA mang lại, Bộ Công Thương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất trọng tâm. Trong đó, Bộ đề xuất xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể hơn với các ngân hàng thương mại để xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất (có thể là các lãi suất ưu đãi phù hợp với cam kết quốc tế, điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn...).
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương cần chủ động tìm kiểm, kết nối và hợp tác với các Tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, WB, ADB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác để tạo nguồn vốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới. Đặc biệt, có chính sách tổng thể hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối” nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA, trong đó có EVFTA.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA đồng thời là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký kết, với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam. Vì vậy, Hiệp định EVFTA được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU. |