Ra mắt năm 2016, TikTok nhanh chóng nổi lên là ứng dụng video phổ biến nhất thế giới. Tại Việt Nam, TikTok xuất hiện đầu năm 2019 và nhanh chóng đạt gần 50 triệu người sử dụng (tính đến tháng 2/2023). Bên cạnh việc tạo ra nhiều cơ hội để tiếp cận với thế giới xung quanh thì đây cũng là môi trường mạng xã hội có nhiều nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên.
Bạn Nguyễn Phương Linh, sinh năm 2001, hiện đang học ngành Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh)- cho biết: Hiện bản thân thường dành khoảng hơn 3 giờ để xem các nội dung từ mạng xã hội TikTok, các video thường xem là các video ca nhạc theo trend, review phim ngắn… Khi lướt các video xuất hiện trên TikTok bạn dễ dàng bắt gặp nhiều video có nội dung phản cảm, câu view, câu like...
Thời gian rảnh các bạn sinh viên thường xuyên lướt TikTok thay vì trò chuyện với nhau |
Tương tự, bạn Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên trường Đại học Luât TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Với quỹ thời gian của sinh viên năm nhất khá rảnh nên thường xuyên dành từ 2-3 giờ xem các nội dung trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Các nội dung mà Quỳnh Anh thường xem chủ yếu là video ca nhạc, du lịch, ẩm thực…
Tuy vậy, theo Quỳnh Anh, trong lúc xem các nội dung yêu thích, bạn cũng thường “lướt” phải các clip hở hang, ăn mặc thiếu vải đang nhảy nhót trên nền nhạc trending. Thậm chí các clip trực tiếp quảng cáo đánh bạc hay link xem video 18+ được lồng vào video cũng rất dễ dàng bắt gặp trên nền tảng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên nền tảng TikTok các video chỉ trình chiếu trong khoảng vài chục giây đến hơn một phút. Tuy nhiên thông tin truyền tải lại vô cùng lớn do hình ảnh bắt mắt, nhạc nền hay khiến người dễ bị thu hút, nhất là giới trẻ, thậm chí là trẻ em.
Các nội dung phản cảm rất dễ bắt gặp trên TikTok |
Theo bạn Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, hiện nay giới trẻ rất dễ bắt gặp các nội dung phản cảm và làm theo. Như mới đây, trên TikTok xuất hiện clip chia sẻ cách không đi làm mà cũng có tiền TikToker có tên Kimmie. Nếu giới trẻ xem các video có nội dung như vậy sẽ rất dễ dẫn đến lối sống độc hại. Và khi thường xuyên xem TikTok, người xem cũng rất dễ bị “nghiện” nền tảng này.
Bạn Trần Nam Long, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, bản thân Long đã chứng kiến nhiều trường hợp nhiều trẻ em chỉ mới học cấp 1, cấp 2 đã hút vape (thuốc lá điện tử) theo những clip trên mạng xã hội TikTok.
Long cho rằng, TikTok cần có thêm nhiều biện pháp để quản lí nội dung trên đó. Đặc biệt cần quản lí chặt hơn về chính sách giới hạn độ tuổi của nền tảng. Chẳng hạn có yêu cầu xác thực độ tuổi bằng giấy tờ hay các biện pháp khác nhằm hướng video tới các độ tuổi sao cho phù hợp.
Có thể thấy đối tượng sử dụng nền tảng TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức, dễ bị thu hút bởi những nội dung mới độc lạ, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Từ đó, giới trẻ dễ dàng tiếp thu và làm theo một cách mù quáng. Hậu quả là có không ít thanh, thiếu niên là nạn nhân từ các clip quái gở, phản cảm từ TikTok.
Hiện nay TikTok đang là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đang cấm ứng dụng này vì lo ngại về rủi ro an ninh mạng. TikTok đang đối mặt với hàng loạt lệnh cấm tạm thời và cấm hoàn toàn, cùng nhiều cuộc điều tra tại các quốc gia trên khắp thế giới. Đến nay, trên thế giới hiện đã có 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn đối với nền tảng TikTok gồm: Ấn Độ, Afghanistan, Jordan. Ngoài ra, còn có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên, gồm: Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). |