Hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu tìm hiểu du lịch của người dân tăng cao; các hình thức khuyến mãi, kích cầu du lịch cũng được các doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, những năm gần đây thị trường du lịch xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.
Tuy nhiên, không giống như quảng cáo, nhiều người tiêu dùng đã “vỡ mộng” với những gói kỳ nghỉ này.
Chị Ngọc Hương (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết, năm ngoái, qua sự giới thiệu của người quen, chị Hương có mua gói “nghỉ dưỡng” trị giá hơn 200 triệu đồng (trong 2 năm). Theo đó, mỗi năm, gia đình chị Hương có suất nghỉ dưỡng ở khách sạn thuộc loại cao cấp trong hệ thống của doanh nghiệp khoảng 1 tuần. Nếu không sử dụng hết gói, có thể nhượng lại cho người khác.
Tuy nhiên sau đó, khi sử dụng lần đầu, chi phí phát sinh đi kèm với gói nghỉ dưỡng này quá cao khiến gia đình chị Hương không muốn sử dụng dịch vụ. Chị Ngọc Hương giao bán suất ưu đãi, nhưng vì giá bán không cạnh tranh nên gần như không ai mua. Do đó, gói dịch vụ gần như bị bỏ phí.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch” |
Tương tự như chị Ngọc Hương, nhiều người khác được tư vấn đã mua gói dịch vụ nghỉ dưỡng trị giá hàng tỷ đồng. Tất nhiên điều kiện ăn ở, du lịch, quyền lợi ở các gói này cao cấp hơn. Tuy vậy, nếu tính chi li, người mua sẽ thấy bị “hớ” vì dịch vụ không tương xứng với số tiền bỏ ra.
Dịch vụ cung cấp gói nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm, tên gọi khác là “timeshares” xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Theo đó, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp, mà thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản hay nghỉ dưỡng.
Người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, thị trường đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc khi người tiêu dùng tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những phản ánh của người dân về những dấu hiệu lừa đảo liên quan tới loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, đại diện cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cho biết, về bản chất, loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch” là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước theo phạm vi thẩm quyền được giao.
Bộ Công Thương chỉ xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền, ví dụ: Dấu hiệu lừa đảo thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công an, tòa án nhân dân các cấp…
Tin từ Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được một số đơn, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, bao gồm các vấn đề về hình sự, dân sự, du lịch, bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh...
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng nghiên cứu kỹ những thông tin hợp đồng “kỳ nghỉ du lịch” trước khi giao kết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình |
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2021, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này.
Liên tiếp đến thời gian gần đây, nhằm cập nhật liên tục và cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng về loại hình kinh doanh này, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các tin bài khuyến cáo trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các phương tiện thông tin truyền thông.
Bên cạnh đó, liên quan tới đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương còn tiến hành các hoạt động khác nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực “kỳ nghỉ du lịch” như: Tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dùng khi ký kết với người dân, yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân….
Đồng thời, Bộ Công Thương còn tổ chức các buổi tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp; thu thập, xác minh thông tin, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan điều tra của Bộ Công an đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự; Tòa án đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về dân sự liên quan đến các giao dịch dân sự đã được xác lập…
Đối với các nội dung phản ánh về dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của một số đơn vị cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Công Thương đang xem xét, xác minh thông tin theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch” để trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng nghiên cứu kỹ những thông tin cảnh báo, phân tích của Bộ Công Thương từ đầu mối Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương liên quan về hợp đồng “kỳ nghỉ du lịch” trước khi giao kết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.