Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. |
Theo đó, về nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên.
Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học…
Đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học
Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9 nghìn giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động.
Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.