Sáp nhập tỉnh: Yêu cầu thúc bách xây dựng nền tảng số, công chức số Sáp nhập tỉnh - Nới không gian phát triển cho Đà Nẵng Sáp nhập tỉnh: Cần ưu tiên lợi ích chung hơn cảm xúc |
30 năm khảo cứu tư liệu cổ lịch sử, địa lý
Nhà nghiên cứu, biên soạn lịch sử, địa chí và từ điển bách khoa địa phương Nguyễn Quang Ân là tác giả của bộ sách “Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam” (2 tập), vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, đang nhận được sự quan tâm của công chúng.
![]() |
Bộ sách "Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam". Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật |
Bộ sách là một công trình khoa học đồ sộ với dung lượng mỗi tập lên đến gần 1.000 trang khổ lớn thể hiện rõ nét quá trình phân chia, chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính nước ta từ thời các Vua Hùng dựng nước, thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ Cách mạng Tháng Tám lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thời kỳ từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất năm 1975, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay.
Để có nguồn tư liệu thực hiện bộ sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân đã dành nhiều thời gian, công sức trong suốt 30 năm (từ năm 1995) để tìm tòi, nghiên cứu, tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu cổ về lịch sử, địa lý để trình bày về sự thành lập, những thay đổi về địa danh, địa giới đơn vị hành chính các cấp dưới các triều đại phong kiến. Qua đó, mang tới cái nhìn tổng quan, thông tin cơ bản nhất về mỗi vùng đất với tên khởi thuỷ là gì, địa giới như thế nào, giáp với địa phương nào và đã qua bao nhiêu lần thay đổi tên gọi, cũng như quá trình tách nhập ra sao.
Trong không gian giới thiệu sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân có dáng vẻ giản dị, và hết sức khiêm nhường khi nói về bộ sách. Ông cho biết, quãng thời gian 30 năm sưu tầm tư liệu để thực hiện bộ sách với biết bao kỷ niệm khó quên, nhất là những vất vả trong công cuộc đi tìm tư liệu về những giai đoạn, thời điểm lịch sử đặc biệt.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu, giai đoạn lịch sử 1945-1954, tài liệu về địa giới hành chính phân tán, thất lạc do sơ tán trong chiến tranh, vì thế ông phải đi nhiều tỉnh, thành để tìm hiểu, thời gian kéo dài hàng tháng trời. Hơn thế, nhiều tư liệu đánh máy không có dấu rất khó khăn để xác định tên, xã, địa phương như huyện Na Háng hay Nà Hang, huyện Chũ hay huyện Chu và hầu như các tư liệu ông đều phải chép lại bằng tay.
Trong bối cảnh đất nước tiến hành sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, bộ sách “Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, theo Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Phạm Thị Thinh, bộ sách sẽ là công cụ hữu ích đối với các nhà khoa học trong nghiên cứu, biên soạn địa chí và lịch sử địa phương tỉnh, huyện, xã; đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo chính trị, quản lý hành chính, quản lý kinh tế, xã hội; đối với các nhà Việt Nam học; các nhà đầu tư và độc giả muốn tìm hiểu về các vùng, miền, địa phương ở Việt Nam.
Chia sẻ thêm về việc xuất bản bộ sách trong thời điểm đất nước sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân cũng hy vọng, bộ sách sẽ là tài liệu giúp nhìn nhận lại quá trình thành lập các đơn vị hành chính các cấp của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử; giúp lưu giữ, hệ thống hoá thông tin về các địa danh cũ mà chúng sẽ không còn tồn tại sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính. "Mong rằng, công trình này sẽ góp phần để các cấp có thẩm quyền, nhà nghiên cứu cũng như nhân dân đọc, nghiên cứu những tài liệu đã viết, đã nói về vùng đất của mình"- nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân nói.
![]() |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Tinh gọn bộ máy để đất nước phát triển
Trong lịch sử nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, cùng với những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, những thay đổi về địa lý hành chính, việc thay đổi, sắp xếp địa danh, địa giới hành chính được tiến hành thường xuyên qua các thời kỳ trong lịch sử nhằm đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước.
Từ góc độ nhà nghiên cứu lịch sử, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, mở rộng xã, ông Nguyễn Quang Ân nhấn mạnh là hết sức cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. “Trong mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử của đất nước, việc thành lập địa danh, địa giới hành chính luôn được căn cứ, dựa trên bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu riêng. Như, cuối năm 1946, Việt Nam đã lập chiến khu thuộc một số tỉnh và sau chiến khu lại lập khu, liên khu” - ông Nguyễn Quang Ân nói.
Sáp nhập tỉnh hiện nay, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân sẽ là bước ngoặt phát triển cho vùng miền, bởi để đất nước phát triển, địa phương phát triển cần phải mở rộng không gian, tạo nguồn lực mới, cũng như chúng ta không thể duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo. "Như việc sáp nhập xã, từ xã nhỏ thành xã lớn, giai đoạn 1945-1954 chúng ta đã triển khai, thực hiện để đáp ứng yêu cầu của tình hình lịch sử"- theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân.
Bày tỏ ủng hộ bỏ cấp huyện, mở rộng cấp xã, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân cũng nêu ý kiến cá nhân, là nên chăng nếu cần thiết hãy giữ lại thôn trong điều kiện phù hợp, vì thôn không phải cấp hành chính, là nơi bảo lưu văn hoá cơ sở, truyền thống, có sự gắn kết quan hệ họ hàng, láng giềng...
Về xuất hiện những băn khoăn khi đặt tên địa phương sáp nhập, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân cho rằng, nhiều người dân đang có tâm tư là điều dễ hiểu, bởi gắn với mỗi vùng đất là cả bề dày văn hoá, lịch sử. Tuy vậy, người dân cũng không nên quá nặng nề khi tên địa phương mất đi sau sáp nhập.
Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, trong lịch sử, khi thay đổi địa danh, địa giới hành chính đều có sự đồng thuận của người dân, do vậy, theo ông, cơ quan chức năng cần thành lập nhóm lấy ý kiến về đặt tên địa phương sáp nhập. Như, có thể lấy ý kiến trực tiếp hoặc thông qua ứng dụng Zalo. “Từ hàng nghìn ý kiến về tên gọi, có thể chọn một trăm tên và quyết định lấy một tên hợp lý nhất. Tin chắc rằng, người dân sẽ có sự đồng thuận và đồng tình về tên gọi địa phương sáp nhập”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân nêu ý kiến.
Việc thay đổi, sắp xếp địa danh, địa giới hành chính ở nước ta đã được tiến hành qua tất cả các chế độ trong lịch sử phát triển quốc gia - dân tộc. Có những địa danh đã tồn tại từ rất lâu đời, phản ánh được giá trị lịch sử từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm phát triển của địa phương, từ đó cũng góp phần phản ánh lịch sử của cả đất nước. |