Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng |
Lĩnh vực nông nghiệp- thực phẩm chiếm 30% lượng khí thải toàn cầu, tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và góp phần làm mất đa dạng sinh học. Nếu không có những thay đổi đáng kể trong hành vi sản xuất và tiêu dùng lương thực, khó có thể đạt được các mục tiêu theo Thỏa thuận Paris và Mục tiêu Thiên niên kỷ SDGs.
Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Eco-Fair) tham gia sự kiện bên lề COP 27 của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm chia sẻ các ví dụ điển hình mà EU đã và đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi để củng cố các mục tiêu của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn và Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn. Dự án Eco-Fair đóng góp tích cực vào việc giảm lượng khí thải carbon thông qua hệ thống thực phẩm bền vững tại Việt Nam.
Dự án Eco-Fair được hỗ trợ bởi chương trình EU-Switch Asia giai đoạn 2020-2023, do Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRI) chủ trì, đồng thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS), Công ty Funzilife Oy (Funzi), Công ty Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCNC).
Dự án hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm sinh thái công bằng tại Việt Nam, góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, phát triển sinh kế bền vững và nền kinh tế xanh cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, tiết kiệm tài nguyên và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu của dự án phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như định hướng phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Dự án đã có nhiều trường hợp điển hình thực tiễn và nhận được sự ủng hộ, cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan như các cơ quan Chính phủ, Hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tài chính và đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong chuỗi giá trị. Dự án Eco-Fair góp phần mạnh mẽ phát triển ngành nông sản thực phẩm chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động, Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm tiết kiệm chi phí và năng lượng (10-15% mỗi năm); chuyển đổi chất thải rắn thành nhiên liệu và phân bón; biến chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi; Than sinh học được tạo ra từ công nghệ khí hoá sinh khối liên tục; nhiều phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành sản phẩm có giá trị.
Điển hình có thể kể đến Hợp tác xã Bản Luông, tỉnh Bắc Cạn với các biện pháp can thiệp và công nghệ do Dự án Eco-Fair chuyển giao góp phần giảm đáng kể chất thải rắn từ quá trình chế biến riềng, tạo nguồn thức ăn giàu đạm cho gà trong trang trại của HTX, là nguồn phân bón tuyệt vời để trồng rau hữu cơ trong trang trại, khẳng định tính khả thi của mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hợp tác xã mì Trại Lâm, tỉnh Bắc Giang đã tận dụng cành vải phải cắt tỉa hàng năm ở vùng trồng vải thiều Lục Ngạn làm nguồn nhiên liệu đốt lò hơi, sử dụng năng lượng mặt trời để sấy khô sản phẩm giúp tiết kiệm 10-15% năng lượng, sản phẩm rác thải được thu hồi làm thức ăn gia súc.
Công ty Tota, tỉnh Daknong sử dụng máy sấy năng lượng mặt trời nhà kính, giảm tỷ lệ sản phẩm hư hỏng còn dưới 1%, sử dụng bếp đốt gia đình công nghệ công nghệ khí hóa sinh khối liên tục đã tạo ra trung bình 300kg than sinh học hàng năm để cải tạo đất, tương ứng giảm được 770kg CO2 quy đổi do vùi than sinh học vào đất.
TS. Nguyễn Bảo Thoa, giám đốc dự án Eco-Fair đã tham gia sự kiện bên lề COP 27 của EU tại Ai Cập, đã nêu bật những kết quả đáng ghi nhận của dự án Eco-Fair: (1) đóng góp đáng kể vào nền kinh tế tuần hoàn và các cách tiếp cận chính sách giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm sang ngành công nghiệp các-bon thấp (2) giới thiệu các ví dụ điển hình về doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp carbon thấp được hỗ trợ bởi các chương trình khu vực EU-Switch Asia; (3) thu hút giới trẻ và công chúng bằng cách thúc đẩy lối sống và dinh dưỡng carbon thấp.
Dự án Eco-Fair tại sự kiện bên lề COP27 của Liên minh Châu Âu |
VIRI và các đối tác đồng thực hiện tin tưởng mạnh mẽ rằng những kết quả đạt được của dự án Eco-Fair sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông sản-thực phẩm công bằng sinh thái tại Việt Nam, đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế và phát triển sinh kế bền vững và nền kinh tế xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và ít các-bon ở Việt Nam.
Tham gia hành trình Eco-Fair cùng chúng tôi vì một tương lai tốt đẹp hơn