Gạo Việt Nam còn thiếu thương hiệu mạnh Cục Chế biến bị phê bình vì chậm tham mưu về chứng nhận Gạo quốc gia Việt Nam |
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn "Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền" do Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng ngày 4/4, tại tỉnh Thái Bình.
Đại điền giúp bỏ ruộng hoang
Thái Bình là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hằng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình - cho rằng, hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt còn thấp, quy mô nông hộ hẹp. Bình quân mỗi hộ có 4 khẩu, tương đương 0,2 ha. Sản xuất lúa gạo tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa gạo không đảm bảo đời sống cho người nông dân.
Diễn đàn "Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền" |
Khoảng thời gian từ 2014 - 2016, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã hình thành tư tưởng phát triển quy mô lớn, mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã đạt thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.
Ông Vương Đức Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) - nhận định, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy mô hình mọi người, mọi nhà đều sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu.
Là đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tại thị trường cả nước nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) thông tin, mỗi thị trường có yêu cầu, đặc thù riêng, tuy nhiên có điểm chung là yêu cầu về chất lượng khắt khe hơn và giá cần gia tăng tính cạnh tranh. “Đến thời điểm hiện tại, thậm chí các đơn hàng vừa và nhỏ cũng được yêu cầu hóa đơn đỏ của giống mua”, đại diện Vinafood1 cho biết.
Trong quá trình triển khai các mô hình đại điền, đại diện Vinafood1 đã đặt vấn đề về công nghệ sau thu hoạch. “Mỗi nông hộ từ 2 - 20 ha có thể sản xuất 12 - 120 tấn lúa tươi. Vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải”, đại diện Vinafood1 chia sẻ và bày tỏ mong muốn các đơn vị và các đầu mối chung tay hỗ trợ các nông hộ trong khâu sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã và nông hộ; đảm bảo ổn định chất lượng giống gieo trồng.
Ở góc độ thương hiệu, bà Trần Thị Trà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - nhận định: Đại điền, sản xuất quy mô lớn là đầu vào cho việc phát triển thương hiệu gạo. Ngược lại, thương hiệu gạo chính là đầu ra của các sản phẩm lúa gạo từ mô hình đại điền. “Phát triển thương hiệu gạo, đặc biệt cho xuất khẩu mà không có quy mô sản xuất lớn sẽ rất khó thành công”, bà Trần Thị Trà chia sẻ và cho rằng, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, tích tụ ruộng đất, sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu.
“Hiện nay, ThaiBinh Seed đã và đang liên kết với bà con nông dân tại Thái Bình với diện tích 2.050 ha và sẵn sàng phối hợp với các đại điền của tỉnh Thái Bình để góp phần quy hoạch các vùng sản xuất, thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo tập trung, đáp ứng nguồn sản xuất ổn định cho thị trường”, bà Trần Thị Trà cho biết.
Gỡ rào cản từ Luật Đất đai
Cho đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình, số hộ có diện tích từ 2ha trở lên là hơn 1.700 hộ. Trong đó, có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70ha. Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là hội đại điền. Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2ha, hội đại điền đã quy tụ được khoảng gần 200 thành viên ở rải rác toàn tỉnh. Một số hộ đại diện đã gom ruộng vào và thành lập hợp tác xã.
Là điểm sáng trong tích tụ đất đai nhờ có những cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn trong việc phát triển đại điền tại Thái Bình vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Một trong những “rào cản” đó chính là những quy định trong Luật Đất đai hiện tại, khi nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất.
Do đó, tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.
Ông Trần Xuân Định - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) - đánh giá, thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún, khó tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.
“Lâu nay chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn. Với sự đóng góp của các đại điền, nông dân trẻ sáng tạo thì nền nông nghiệp sẽ có thể bước sang một trang mới”, ông Trần Xuân Định nhấn mạnh.