Bộ Công Thương thúc đẩy địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết
Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.
Các kênh bán lẻ đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Theo đó, đối với việc cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phải bảo đảm được nguồn cung. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo đảm giá cả được bình ổn để giúp cho người tiêu dùng với mọi mức thu nhập đều có được một cái Tết an vui.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng, nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ Thị trường trong nước đã lồng ghép vào nhiều chương trình để góp phần kết nối, tạo ra được những điểm bán hàng thực phẩm an toàn.
Đơn cử, đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", rất nhiều điểm bán hàng Việt Nam trên phạm vi toàn quốc đã được tổ chức, hàng hóa tại các điểm bán luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, tạo nguồn cung hàng hoá dồi dào phục vụ người dân mua sắm dịp cuối năm. Các điểm bán hàng OCOP được gắn với những điểm du lịch, nơi tập trung đông người để thu hút được người tiêu dùng đến mua sắm.
Song song với việc mua bán hàng hoá trực tiếp, các hoạt động phối hợp với hệ thống phân phối thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như là Lazada, Shopee, TikTok, Sendo... hệ thống Coopmart đã hỗ trợ rất nhiều cho việc tiêu thụ sản phẩm của động bào dân tộc thiểu số và các vùng nông thôn. Nhờ vậy đã tăng được mức thu mua cũng như việc phân phối các sản phẩm. Ở những địa bàn thương mại truyền thống khó khăn, phụ thuộc vào thương lái trước đây thì nay đã trực tiếp phân phối đến tay của người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối hiện đại.
Bộ Công Thương cũng đang đốc thúc các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Trong đó chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam”, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu và kích cầu tiêu dùng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP…
Các doanh nghiệp và địa phương cùng vào cuộc
Dịp Tết Giáp Thìn 2024, dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao so với ngày thường, do vậy, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ các khách hàng.
Tết Giáp Thìn 2024, dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao so với ngày thường (Ảnh: Ngọc Lê) |
Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo… Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ... và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng.
Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail), nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, ngay từ tháng 9, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm 2023.
Hay tại hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi. Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Satra, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng.
Đồng thời, phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...; kiên quyết không để xảy ra khan thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, Sở Công Thương đã chuẩn bị phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; kết nối các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. Đồng thời, sở phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết; qua đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tổ chức một số sự kiện như phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” từ ngày 1 đến 3-12 với quy mô 50 gian hàng; phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2/2023 từ ngày 4/12/2023 đến 4/2/2024; chương trình quảng bá Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023 (đợt 3) từ ngày 5 đến 7/12… Đặc biệt, từ ngày 23 đến 28/1/2024 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (số 9, đường Cách mạng Tháng Tám) dự kiến có 250 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024…