Sản phẩm đũa gỗ thốt nốt đang 'gây sốt' trên các sàn thương mại điện tử
Được làm từ loại gỗ quý của vùng Bảy Núi, An Giang, những đôi đũa ăn gỗ thốt nốt Tường Vy không chỉ mang vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi mà còn sở hữu độ bền vượt trội, an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, sản phẩm này đang "gây sốt" trên sàn thương mại điện tử Sàn Việt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trên cả nước.
Sáng tạo từ cây thốt nốt
Cây thốt nốt từ lâu đã trở thành biểu tượng của vùng Bảy Núi, An Giang. Không chỉ cho ra những sản phẩm quen thuộc như nước thốt nốt, đường thốt nốt hay bánh bò thốt nốt, người dân An Giang còn khéo léo sáng tạo, biến tấu cây thốt nốt thành những vật dụng độc đáo, mang đậm dấu ấn địa phương.
Anh Đoàn Rô Mel, một người con của vùng đất Bảy Núi, chủ hộ kinh doanh cơ sở Tường Vy đã dành trọn tâm huyết để "thổi hồn" vào những thân cây thốt nốt tưởng chừng như bỏ đi. Từ đôi đũa ăn mộc mạc đến chiếc lộc bình tinh xảo, từ gạt tàn thuốc tiện dụng đến vỏ đựng ấm trà sang trọng, tất cả đều được anh Rô Mel chế tác tỉ mỉ, khéo léo.
Ý tưởng này đến với anh trong một lần tham gia hội chợ triển lãm. Nhìn thấy những sản phẩm độc đáo từ cây dừa của Bến Tre, anh chợt nghĩ đến cây thốt nốt quê hương. Với mong muốn nâng tầm giá trị cho loại cây đặc trưng của địa phương, anh bắt đầu hành trình sáng tạo của mình.
Sàn Việt không chỉ giới thiệu các sản phẩm đũa ăn gỗ thốt nốt Tường Vy mà còn tạo cơ hội để thương hiệu kể lại hành trình đầy cảm hứng về phát triển giá trị địa phương. |
Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, anh Rô Mel luôn kỹ lưỡng trong từng khâu lựa chọn nguyên liệu. Anh ưu tiên những cây thốt nốt già, trên 70 năm tuổi, vốn đã "nghỉ hưu" sau những năm tháng cho mật ngọt và quả thơm. Gỗ của những cây thốt nốt này vừa có độ cứng chắc, vừa có mùi thơm đặc trưng, lại có màu đen huyền bí rất thích hợp để làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Mỗi sản phẩm ra đời đều là kết tinh của sự tỉ mỉ và công phu. Từ việc cắt, xẻ, rọc phôi, đến chạm khắc hoa văn, phủ sơn bóng... tất cả đều được anh Rô Mel thực hiện cẩn thận, trau chuốt. Nhờ vậy, những sản phẩm của anh không chỉ bền đẹp, mà còn mang đậm tính nghệ thuật, gửi gắm tình yêu quê hương của người nghệ nhân.
Hiện nay, các sản phẩm đũa thốt nốt của anh Đoàn Rô Mel được khách hàng khắp cả nước đón nhận. Riêng sản phẩm đũa thốt nốt Tường Vy đã đạt được nhiều chứng nhận danh giá. Năm 2022, sản phẩm này vinh dự nhận chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh An Giang và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam. Ngoài ra, trong cuộc thi sáng tác thiết kế sản phẩm quà lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh An Giang năm 2020, sản phẩm đũa ăn gỗ thốt nốt cũng đã được công nhận là sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa của tỉnh An Giang.
Đũa chế tác từ gỗ tự nhiên, không hóa chất, không phẩm màu, an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, giá cả sản phẩm bình dân, từ 20.000-25.000 đồng/chục (20 chiếc) nên phù hợp với đông đảo đối tượng khách hàng.
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây thốt nốt không chỉ làm phong phú thêm nét văn hóa đặc sắc của An Giang, mà còn góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đây thực sự là một hướng đi bền vững, giúp nâng cao giá trị cho cây thốt nốt và phát triển kinh tế địa phương.
Nâng tầm cây thốt nốt thông qua sàn thương mại điện tử
Thời gian vừa qua, đũa thốt nốt Tường Vy đã chính thức đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử Sàn Việt. Anh Đoàn Rô Mel chia sẻ: “Khi trào lưu mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, nếu chỉ phân phối sản phẩm bằng các kênh truyền thống thì sẽ không đảm bảo độ phủ sóng cho thương hiệu. Vì vậy, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là điều tất yếu, giúp gia tăng khả năng tiếp cận với tệp khách hàng tiềm năng. Trong đó, Sàn Việt là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì có độ uy tín cao”.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở này đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng Sàn Thương mại điện tử An Giang (www.angiang.sanviet.vn) được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Thông qua Sàn thương mại điện tử An Giang, thời gian qua, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương dần dần khẳng định được thương hiệu và tìm kiếm được thị trường phù hợp, nhiều sản phẩm đã kết nối và xuất khẩu ra quốc tế.
Sàn thương mại điện tử An Giang với các gian hàng và kênh thông tin giới thiệu chuyên nghiệp, nhanh chóng dành cho cơ sở, doanh nghiệp và các tính năng ưu việt, cho phép tối ưu và tùy chỉnh cao, mang lại nhiều giá trị cho cả người bán và người mua. Với chỉ vài thao tác đơn giản, việc mua bán trên sàn thương mại điện tử này cũng dễ dàng, nhanh chóng và hết sự thuận tiện.
Ngoài việc hỗ trợ tối đa để nông dân đưa sản phẩm “lên sàn”, Sở Công Thương tỉnh An Giang vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã tiếp cận với thanh toán trực tuyến, dịch vụ vận chuyển tiện ích… để tối ưu hóa quá trình bán hàng qua kênh thương mại điện tử.
Đáng chú ý, đối với người tiêu dùng, thay vì phải thao tác trên nhiều sàn thương mại điện tử địa phương, giờ đây, chỉ với một điểm dừng tại sanviet.vn, người tiêu dùng được trải nghiệm cảm giác “một lần chạm, vạn niềm vui” để thỏa sức mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc đảm bảo, với mức giá từ nhà sản xuất, đồng thời, tiếp cận nhiều chương trình khuyến mãi trực tiếp từ nhà sản xuất.
Theo bà Trần Ngọc Diệu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang: “Thương mại điện tử mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng, giảm chi phí vận hành và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số. Điển hình như trường hợp của đũa gỗ thốt nốt Tường Vy, thương mại điện tử, đặc biệt là Sàn Việt, đã giúp sản phẩm này tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, tăng doanh số và nâng cao nhận diện thương hiệu”.
Hiện tại, tỷ lệ đơn hàng trực tuyến chiếm tới 30% tổng doanh thu của cơ sở Tường Vy, và thương hiệu đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên 50% vào cuối năm. Để đạt được mục tiêu này, cơ sở đang không ngừng cải thiện quy trình bán hàng online và tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên sàn thương mại điện tử.
Anh Đoàn Rô Mel chia sẻ: “Sàn Việt không chỉ giới thiệu các sản phẩm đũa ăn gỗ thốt nốt Tường Vy của mình một cách trực quan, mà còn tạo cơ hội để thương hiệu kể lại câu chuyện hành trình đầy cảm hứng về việc bảo tồn và phát triển giá trị đặc sản thốt nốt của vùng Bảy Núi An Giang”.