Nam Định: Công ty TNHH HUE VINA ngừng hoạt động, còn nợ lương và bảo hiểm của hàng trăm công nhân Hàng trăm công nhân Nam Định bị nợ lương: Tổng Giám đốc bỏ về nước, đối tác liên danh đang ngồi tù |
Như Báo Công Thương đã thông tin, từ giữa tháng 9/2023, 113 công nhân, người lao động Công ty TNHH HUE VINA (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bị mất việc làm do công ty khó khăn, phải dừng hoạt động. Song song với cảnh không còn việc làm, các công nhân này còn bị công ty nợ lương tháng 8/2023 và chưa thể chốt được Sổ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp còn nợ đọng 7,8 tỷ đồng tiền Bảo hiểm xã hội chưa nộp cho cơ quan bảo hiểm.
Trong số này, có 57 công nhân ở thị trấn Thịnh Long, 24 ở xã Hải Châu, 13 ở xã Hải Hòa, 2 ở xã Hải Triều, 1 ở xã Hải Xuân, 1 ở xã Hải Ninh (huyện Hải Hậu); TP. Nam Định 6 công nhân, huyện Nghĩa Hưng 4 công nhân, các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường và tỉnh Ninh Bình mỗi nơi có 1 công nhân.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, con em công nhân lao động nghèo vừa bước vào đầu năm học mới, cần nhiều khoản chi đã khiến cuộc sống của họ càng khó khăn, vất vả thêm. Trước mắt, làm sao để có việc làm ngay để tạm thời ổn định cuộc sống và làm thế nào để đòi quyền lợi ở công ty cũ là những băn khoăn, trăn trở nhiều ngày qua đối với công nhân lao động và gia đình họ.
Hành trình gian nan đòi nợ lương, bảo hiểm cho gần 700 công nhân ở Thái Bình
Câu chuyện của 113 công nhân nói trên khiến chúng tôi hồi tưởng lại sự việc tương tự diễn ra cách đây hơn 6 năm tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Khi đó, khoảng đầu tháng 5/2017, gần 700 công nhân, người lao động và hàng chục chủ nợ của chi nhánh Công ty TNHH may mặc Vina Kangaroo (gọi tắt là Công ty Vina Kangaroo, trụ sở đặt tại xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bị “sốc” khi biết tin chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc của công ty này đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại các khoản nợ lên đến nhiều chục tỷ đồng.
Sau gần 3 năm theo đuổi vụ việc Chi nhánh Công ty TNHH May mặc Vina Kangaroo (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) tuyên bố phá sản, gần 600 công nhân, người lao động mới "vớt vát" được một phần lương, bảo hiểm bị doanh nghiệp này nợ. Ảnh: T.D |
Trong số các khoản nợ của Công ty Vina Kagaroo khi đó, ngay tiền lương còn nợ 679 công nhân, lao động các tháng 2, 3, 4/2017 và tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN từ thời điểm tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017 chưa đóng cho số công nhân, người lao động này là hơn 15 tỷ đồng.
"Lúc đó doanh nghiệp như “rắn mất đầu”, công nhân, người lao động bơ vơ chưa biết sẽ đi đâu, làm gì, thường xuyên tập trung đông người trước cửa công ty để mong ngóng tin tức. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và lãnh đạo huyện Tiền Hải, LĐLĐ huyện Tiền Hải một mặt phối hợp với Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Vina Kangaroo và các công đoàn cơ sở trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp trước mắt là sắp xếp công việc mới cho công nhân, lao động; một mặt nghiên cứu, lên phương án đòi hỏi, “vớt vát” lại quyền lợi cho họ" - ông Vũ Thái Học - Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), nhớ lại.
Nghĩ là làm tất cả vì quyền lợi của người lao động, của bà con nghèo, từ tháng 1/2019, LĐLĐ huyện Tiền Hải cùng với đại diện công đoàn cơ sở Công ty Vina Kangaroo được tập thể công nhân, người lao động ủy quyền đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình rồi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để yêu cầu làm thủ tục phá sản doanh nghiệp, đòi quyền lợi cho người lao động. Đến ngày 20/6/2020, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội có Quyết định số 06/2020/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp.
"Từ 12/6 - 10/7/2020, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp, kể cả thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của từng xã có công nhân bị nợ lương, qua đó thu thập được 617/679 đơn ủy quyền, giấy đòi nợ của công nhân. Trong số 617 đơn này, sau khi rà soát bảng lương, đối chiếu Bảo hiểm xã hội và các chứng cứ khác, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội công nhận, giải quyết cho 597 trường hợp" - ông Vũ Thái Học - Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiền Hải cho biết thêm.
Được biết, sau khi có thông báo của tòa án, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội ủy thác cho Chi cục THADS huyện Tiền Hải để thi hành án đối với việc Công ty Vina Kangaroo phá sản. Căn cứ số tiền từ thanh lý tài sản, bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp được hơn 3,5 tỷ đồng, Chi cục THADS huyện Tiền Hải tiến hành phân chia tài sản theo quy định tại Điều 54, Luật Phá sản năm 2014.
Từ ngày 3/6/2021, Chi cục THADS huyện Tiền Hải đã thanh toán, chi trả tiền lương doanh nghiệp còn nợ cho công nhân, người lao động. Trong đó, số tiền chuyển về BHXH huyện Tiền Hải để trả nợ bảo hiểm từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017 cho người lao động là hơn 1,391 tỷ đồng; số tiền trả nợ lương các tháng 2, 3, 4/2017 cho 597 người lao động là hơn 2,157 tỷ đồng.
Kinh nghiệm cho tổ chức công đoàn tại tỉnh Nam Định
Theo đánh giá của dư luận, vụ việc LĐLĐ huyện Tiền Hải sát cánh bảo vệ đòi quyền lợi cho gần 700 công nhân lao động Công ty Vina Kangaroo như vừa kể là một vụ việc tiêu biểu, điển hình trong việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Sau đó, vụ việc đòi quyền lợi thành công này đã được biểu dương, khen thưởng và được lấy làm bài học kinh nghiệm điển hình, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong các cấp công đoàn tại tỉnh Thái Bình để triển khai nếu có tình huống tương tự phát sinh.
Nhà máy, nhà xưởng của Công ty TNHH HUE VINA đã đóng cửa, ngừng hoạt động khoảng chục ngày qua. Chủ doanh nghiệp đã bỏ về Hàn Quốc, trong khi đối tác liên danh là người Việt hiện đang chấp hành án phạt tù. Ảnh: T.Đ.V |
Quay trở lại với vụ việc đang xảy ra ở Công ty TNHH HUE VINA tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), theo chuyên gia, thứ nhất cần xác định cụ thể, chính xác tình trạng của doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp dừng hoạt động hẳn hay chỉ là tạm dừng hoạt động do trước mắt khó khăn, thiếu đơn hàng? Tổng giám đốc người Hàn Quốc có quay trở lại công ty nữa hay không và có ủy quyền cho người đại diện tại Việt Nam tuyên bố phá sản doanh nghiệp hay không? Đối tác liên danh là người Việt đang chấp hành án phạt tù thì có thể ủy quyền cho cấp dưới trong công ty hay không?
Ông Vũ Thái Học - Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - cho rằng: “Trường hợp này chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền phải xác nhận tình trạng phá sản của doanh nghiệp với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Khi doanh nghiệp xác nhận phá sản rồi thì tổ chức công đoàn cấp trên công đoàn cơ sở nên thông báo, tuyên truyền để công nhân, lao động hiểu, đồng ý ủy quyền tập thể cho đại diện là tổ chức công đoàn làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đến tòa án. Khi tòa án tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp thì sẽ đồng thời thông báo cho thi hành án để tiến hành thanh lý tài sản còn lại của doanh nghiệp để có tiền trả cho công nhân, các chủ nợ khác”.
Trường hợp xấu nhất doanh nghiệp phá sản, 113 công nhân lao động Công ty tNHH HUE VINA nên ủy quyền cho tổ chức công đoàn để làm đơn đến tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, "vớt vát" quyền lợi. Ảnh: T.Đ.V |
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi doanh nghiệp phá sản như thế này, ngoài nợ công nhân lao động của mình thì họ còn nợ nhiều nơi, trong khi tài sản thanh lý có thể không đủ để trả cho tất cả. Thế nên, đối tượng là công nhân lao động cần được ưu tiên, xem xét trả trước, tất nhiên phải theo tỷ lệ pháp luật quy định. Dù sao thì với công nhân lao động nghèo, vớt vát được chút nào hay chút đó, quan trọng nhất là họ có thể được chốt, nối bảo hiểm khi đến làm việc tại nơi mới”, ông Vũ Thái Học chia sẻ.