Tồn kho cà phê ở mức thấp tiếp tục đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng Giá cà phê xuất khẩu tăng cao lên đến 3.200 USD/tấn |
Hai mặt hàng cà phê đón nhận lực mua tích cực, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng toàn thị trường trong ngày hôm qua. Chốt ngày 2/4, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5 trên Sở ICE US tăng vọt 5,29% lên 3.663 USD/tấn, thiết lập đỉnh mới trong vòng 30 năm. Cùng với đó, cà phê Arabica cùng kỳ hạn trên Sở ICE EU cũng tăng mạnh 3,1%, chốt ở mức 4.359 USD/tấn, cao nhất trong vòng 3 tháng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, trong bối cảnh sản lượng eo hẹp tại Việt Nam đang đẩy giá cà phê tăng vọt từ đầu năm nay, các số liệu mới nhất cho thấy triển vọng nguồn cung tại Brazil không đạt kỳ vọng, càng góp phần khiến giá cà phê tiếp tục tăng cao.
Hedgepoint mới đây đã hạ ước tính sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Brazil xuống 67,46 triệu bao, giảm 4,9% so với dự báo trước, trong đó ước tính sản lượng Robusta vụ 24/25 của Brazil giảm 1,43 triệu bao.
Trước đó, Rabobank ước tính sản lượng cà phê vụ mới của quốc gia Nam Mỹ là 69,8 triệu bao, không đạt tiềm năng của vụ được mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa 1 lần. Riêng với Robusta, dự kiến sản lượng cà phê giàu vị đắng của quốc gia Nam Mỹ không đổi so với vụ trước, chỉ ở mức 23,3 triệu bao.
Ngoài ra, chỉ số Dollar Index giảm 0,20%, đã từng kéo tỷ giá USD/BRL giảm trong thời điểm cà phê đang giao dịch. Chênh lệch tỷ giá đi xuống kỳ vọng sẽ khiến nông dân Brazil hạn chế bán cà phê, từ đó gia tăng lực mua trên thị trường.
Trên thị trường nội địa, tính đến ngày 2/4, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đã tiến rất sát mốc 100.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 98.200 – 98.800 đồng/kg. Trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil nhiều khả năng không thể bù đắp cho thiếu hụt từ Việt Nam, MXV nhận định, giá thu mua cà phê trong nước còn nhiều dư địa để thiết lập các mức kỷ lục mới trên 100.000 đồng/kg trong thời gian tới.
Một đợt nắng nóng ở Việt Nam, nước sản xuất cà phê nhân xanh lớn thứ hai thế giới, có thể làm sản lượng giảm 1/5. Xuất khẩu của Indonesia, nước sản xuất lớn thứ ba, cũng được dự báo sẽ giảm vì những lý do tương tự, đánh dấu năm sụt giảm thứ hai liên tiếp.
Kết quả là giá cà phê tương lai trên toàn cầu gần đạt mức cao kỷ lục. Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn London tăng hơn 50% trong năm qua lên khoảng 3.500 USD/tấn.
Bên cạnh đó, tiêu thụ ở các nước Đông Nam Á đã tăng vọt, chỉ riêng nhu cầu ở Indonesia đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Ở Trung Quốc, mức tiêu thụ tăng hơn 130%, thể hiện qua sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các chuỗi cà phê tại đây.
Trong khi đó, Brazil, quốc gia sản xuất hạt cà phê Arabica lớn nhất, đang có nhiều khách hàng. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc tăng 160%. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng gần gấp đôi.
Robusta tiếp đà hưng phấn sau khi Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam có thể giảm tới 20% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng.
Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD |
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng hơn 44 về lượng và tăng hơn 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã lập kỷ lục lịch sử, trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý đầu năm nay.
Chuyên gia nhận định, 3 tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ “hoàng kim” đối với giá cà phê Robusta khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử. Nguồn cung ở mức thấp tại các nước xuất khẩu chính, kết hợp cùng nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu hàng đầu tạo thành hỗ trợ kép cho đà tăng của giá cà phê thời gian qua.
Sản lượng tại Việt Nam - nguồn cung cà phê Robusta xuất khẩu số 1 thế giới, được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán chỉ đạt 27,5 triệu bao trong niên vụ 2023/24, thấp hơn nhiều so với mức 31,3 triệu bao được dự báo sơ bộ trước đó. Trong khi đó, dự báo của Marex Group Plc cho biết, thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu vụ 2024/2025 là khoảng 2,7 triệu bao do sản lượng tại Việt Nam giảm.
Hiệp hội Cà phê - cacao Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 có thể giảm tới 20% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng. Khí hậu khô và nhiệt độ cao trong những năm gần đây đã làm tăng thêm tổn thất sản xuất và làm sản lượng giảm, dẫn đến nguồn cung bị siết chặt, thể hiện qua lượng tồn kho thấp hiện nay.