Thái Nguyên: Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - động lực để phát triển kinh tế Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Tính đến hết ngày 30/5/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/98 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 huyện (Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn lại 3 huyện (Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) đã đạt 9/9 tiêu chí và 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Một nhà màng tại Quảng Ninh áp dụng hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động của NextFarm |
Toàn tỉnh có 6/6 thị xã, thành phố đã đạt 5/5 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (tăng 2,6 tiêu chí so với đầu năm). Trong đó, 5 đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, còn TP. Hạ Long đã đạt chuẩn 5/5 tiêu chí theo quy định. Hiện TP. Hạ Long đã hoàn thiện báo cáo giải trình và hồ sơ đề nghị xét công nhận TP. Hạ Long hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới theo ý kiến Hội đồng thẩm định Trung ương họp thẩm định ngày 10/4/2023.
Huyện Đầm Hà và Tiên Yên đã đạt 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt 8/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Quảng Ninh đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân giàu có, văn minh, công tác chuyển đổi số đã và đang được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh. Đây cũng là cách nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc.
Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất, đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi trong tư duy sản xuất.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ðồng thời phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiến tới hội nhập quốc tế.
Ðến nay, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.
Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP. Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Qua các trang điện tử, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ; đã có 27 cửa hàng và 5 sàn giao dịch thương mại điện tử trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Việc này được nhận định là bước chuyển căn bản, từ đó thay đổi phương thức tiêu thụ, nâng tầm nông sản đất mỏ trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay.
Với những giải pháp tích cực trong triển khai chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Đây cũng là một trong những giải pháp để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc.